Trong tháng 5/2022, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển vượt ngưỡng 420ppm, cao hơn 50% so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và cao nhất chưa từng thấy trong khoảng 4 triệu năm qua. Thông tin được đưa ra bởi Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), ghi nhận tại trạm quan sát Mauna Loa ở Hawaii, càng dấy lên mối lo ngại về sự cực đoan của thời tiết. Nhưng, còn đáng chú ý hơn khi giới nghiên cứu y học còn khẳng định: Khí hậu biến đổi sẽ làm tăng nặng mức độ nhiều loại bệnh tật, đồng thời xuất hiện nhiều loại virus mới gây dịch, trong khi sức chống chịu của cơ thể người lại giảm sút.
Theo NOAA, nồng độ CO2 ngày nay tương ứng với những mức ghi nhận được trong khoảng từ 4,1-4,5 triệu năm trước. Vào thời điểm đó, mực nước biển cũng cao hơn từ 5-25cm so với ngày nay, đủ cao để nhấn chìm nhiều thành phố lớn và khi đó, Bắc Cực được bao phủ bởi nhiều cánh rừng lớn chứ không trắng xóa băng tuyết.
CO2 khi ở mức cao sẽ tạo ra những “bẫy nhiệt”, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như những đợt sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt ở mức độ thảm họa. Nhà khoa học Pieter Tans từ Trạm quan sát Mauna Loa cho rằng, trong khi mối nguy đã cận kề thì thật đáng tiếc là con người lại thiếu hành động ý nghĩa để ngăn chặn.
Không ai an toàn đến khi mọi người an toàn
Trong tình thế đó, Giám đốc các trường hợp khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Mike Ryan lại cho rằng, đợt bùng phát bất thường của bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra có thể chỉ là hồi chuông mở màn cho một giai đoạn "nổi loạn" của bệnh tật, do con người tự chuốc lấy. Nếu như vào thời điểm ngày 8/5/2022 khi Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) khẳng định đậu mùa khỉ rất hiếm gặp, không dễ lây lan giữa người với người và nguy cơ tổng thể đối với cộng đồng là rất thấp, thì chỉ 1 tháng sau người ta đã phải thừa nhận một thực tế là nó hoàn toàn có khả năng lây lan trong cộng đồng.
Một trường hợp khác, đó là “sốt lassa”. Cách đây 50 năm, nó được xác định là căn bệnh lây chủ yếu qua tiếp xúc với thực phẩm hay động vật bị nhiễm bệnh, và cũng chỉ lưu hành ở Tây Phi với mức độ lẻ tẻ. Nhưng vào cuối năm 2021, tại Guinea, có 8 trường hợp mắc, trong đó 7 người tử vong. Phát ngôn gần đây nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nigeria Olorunnimbe Mamora, được Daily Post trích dẫn, thì trong năm 2022, chỉ tính đến giữa tháng 4, “sốt lassa” đã cướp đi sinh mạng của 132 ở đất nước này trong số 3.700 ca nhiễm và nghi nhiễm.
Trong cả hai trường hợp bệnh đậu mùa khỉ và “sốt lassa”, có một điểm tương đồng: Đó là virus gây bệnh sau nhiều chục năm biến mất thì nay đã “sống” lại. Nguyên nhân chính được cho là do biến đổi khí hậu tạo ra môi trường thuận lợi để những loại virus này quay trở lại. Bệnh đậu mùa khỉ phát hiện tại Côngô vào năm 1970; còn “sốt lassa” tại Nigeria trong thời điểm tương tự, có nghĩa là đều đã quá nửa thế kỷ.
Theo Tiến sĩ Ryan, biến đổi khí hậu góp phần làm thay đổi nhanh chóng các điều kiện thời tiết, hành vi của động vật và con người, khiến các bệnh thường lưu hành ở động vật dễ lây lan sang người hơn và trở thành hiểm họa khi vô tình cộng dồn với các yếu tố khuếch đại dịch bệnh khác từ hành vi của cộng đồng.
Còn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lý giải: Những mùa đông ngắn và ít lạnh, thời tiết nóng hơn quanh năm giúp muỗi và bọ ve - các vật chủ trung gian ưa thích của nhiều loại mầm bệnh, dễ sinh sản và mở rộng môi trường sống. Theo thống kê của CDC, từ năm 2004 đến năm 2018, số ca bệnh truyền từ muỗi, ve và bọ chét đã tăng hơn gấp đôi ở Mỹ.
“Biến đổi khí hậu buộc nhiều động vật tìm đến môi trường sống mới, mang theo mầm bệnh cũng như tàn phá nguồn nước sạch. Nhiệt độ tăng cao thúc đẩy sự sinh trưởng của nấm, bao gồm các loại gây nhiễm trùng chết người” - trích báo cáo của CDC, tháng 5/2022.
Còn theo WHO, với tốc độ như hiện tại thì trong giai đoạn 2030-2050, biến đổi khí hậu sẽ gây ra khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và stress do nhiệt.
"Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách, bao gồm dẫn đến tử vong và bệnh tật do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên như sóng nhiệt, bão, lũ lụt...; gây gián đoạn hệ thống lương thực, gia tăng bệnh truyền nhiễm từ động vật và thức ăn, nước uống; tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, biến đổi khí hậu làm suy yếu nhiều yếu tố xã hội quyết định đến sức khỏe tốt như sinh kế, bình đẳng, khả năng tiếp cận và chăm sóc sức khỏe và các cơ cấu bảo trợ xã hội" - WHO phân tích.
Peiro Olliaro - giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Oxford (Anh), cảm thán: "Thật thất vọng khi thế giới chỉ dậy sóng vì một căn bệnh khi nó gây ra nhiều chết chóc ở mức không thể che đậy tại các nước thu nhập cao. Còn trong khi nó lưu hành rất rộng ở những quốc gia nghèo thì nó cũng chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu và cảnh báo. Nhưng thực tế đại dịch Covid-19 cho thấy, virus gây bệnh không chọn lựa người giàu hay người nghèo, mà nó sẽ tàn phá tất cả”.
Nói với hãng tin AP, ông Peiro cho rằng có một "thực tế xấu xí" là các nguồn lực để làm chậm sự lây lan của đậu mùa khỉ có sẵn từ lâu, chỉ là không dành cho người châu Phi, những người đã đối phó với nó trong nhiều thập niên.
"Chúng ta phải có một phản ứng toàn cầu đối với bất cứ nguy cơ dịch bệnh nào để tránh nó trở thành dịch bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia. Đặc biệt là khí hậu cực đoan, có khả năng xuất hiện nhiều dịch bệnh do virus gây ra thì điều đó phải được xem là cực kỳ quan trọng”- tờ Medical Xpress dẫn lời Tiến sĩ Matshidiso Moeti - Giám đốc WHO châu Phi khi khẳng định sẽ không ai an toàn cho đến khi mọi người an toàn.
Mối đe dọa đến từ những loại virus mới
“Biến đổi khí hậu sẽ khiến các loài động vật có xu hướng di cư tới những vùng đất có thời tiết mát mẻ hơn và tại đó, các loài động vật di cư sẽ lần đầu tiên tiếp xúc với các loài bản địa. Chính điều này làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các loại virus mới có khả năng lây nhiễm cho con người, từ đó đe dọa làm bùng phát dịch bệnh”- cảnh báo trên trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature ngày 28/4/2022.
Nghiên cứu cho biết, hiện có ít nhất 10.000 loại virus ở các loài động vật có vú hoang dã có khả năng lây nhiễm sang người. Phần lớn các loài này đều sống sâu trong các vùng rừng nhiệt đới. Nhiệt độ tăng cao đã khiến các loài động vật này rời bỏ môi trường sống quen thuộc, trong hành trình di cư đến vùng đất mới, các loài này sẽ lần đầu gặp và tiếp xúc với các loài động vật khác và có khả năng đến năm 2070 sẽ sản sinh ra ít nhất 15.000 virus.
Theo WHO, trong bối cảnh đại dịch, một hành tinh ô nhiễm và các bệnh tật ngày càng gia tăng thì các chính phủ cần tập trung sự chú ý vào hành động cấp bách cần thiết để giữ cho con người và hành tinh khỏe mạnh. WHO cho biết, trên phạm vi toàn cầu, ô nhiễm không khí giết chết 13 người mỗi phút do ung thư phổi, bệnh tim mạch và đột quỵ. Có 829.000 người chết vì bệnh tiêu chảy mỗi năm do nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém. WHO cũng công bố 9 sự thật về biến đổi khí hậu và sức khỏe. Trong đó biến đổi khí hậu chính là mối đe doạ về mặt sức khỏe lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. Ô nhiễm không khí, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tình trạng mất an ninh lương thực, áp lực lên sức khỏe tâm thần, bệnh tật… tác động trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Hằng năm có khoảng 13 triệu người tử vong do tác nhân liên quan đến yếu tố môi trường. Theo WHO, hệ thống y tế là tuyến phòng thủ chính cho các nhóm dân cư đang phải đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe mới nổi, bao gồm cả biến đổi khí hậu.
“Một xã hội lành mạnh là xã hội dựa vào các hệ sinh thái vận hành tốt để cung cấp không khí sạch, nước ngọt, thuốc men và an ninh lương thực. Những điều này giúp hạn chế dịch bệnh và ổn định khí hậu. Tuy nhiên, tình trạng mất tính đa dạng sinh học đang diễn ra với tốc độ chưa từng có, gây tác động lớn đến sức khỏe con người trên toàn thế giới và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mới nổi”- khuyến cáo của WHO.
Nghiên cứu trên có mức độ tin cậy cao khi được thực hiện trong 5 năm liên tục, với việc theo dõi 3.139 loài động vật có vú, xem xét quá trình di cư của các loài động vật thay đổi như thế nào do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với phân tích quá trình lây nhiễm virus sẽ chịu tác động ra sao. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tiếp xúc lần đầu tiên giữa các loài vật thường diễn ra ở những khu vực mật độ dân số cao - nơi con người có thể dễ phải chịu tổn thương và một số loại virus có khả năng lây lan toàn cầu. Theo đó, những “điểm nóng” tiềm ẩn nhiều nguy cơ là Sahel, cao nguyên Ethiopia, Thung lũng Rift, Ấn Độ, miền đông Trung Quốc, Indonesia, Philippines và một số khu vực đông dân cư ở châu Âu.
Tiến sĩ Gregory Albery - nhà sinh thái học thuộc Đại học Georgetown, đồng tác giả nghiên cứu khẳng định, những gì mà nghiên cứu đề cập đến đang diễn ra và là điều không thể ngăn chặn kể cả khi biến đổi khí hậu có thể cải thiện ở mức độ nhất định, vì nó đã diễn ra một cách hệ thống trong vòng nhiều năm. Theo Tiến sĩ Albery, cách tốt nhất là phải xây dựng cơ sở hạ tầng y tế có khả năng bảo vệ con người phòng dịch bệnh mới bùng phát và lây lan.
Động vật hoang dã mang theo virus
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc xuất hiện nhiều loại virus nguy hiểm trên động vật và quá trình di cư để kiếm tìm môi trường sống thích hợp của động vật đã mang theo virus, có khả năng lây sang người.
Một thông tin y tế được Hãng tin AFP dẫn cho thấy, dịch bệnh lây từ động vật sang người đã xuất hiện từ nhiều thiên niên kỷ qua, nhưng chúng đang trở nên phổ biến hơn trong vài thập niên gần đây do tình trạng phá rừng, nuôi gia súc hàng loạt, biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người vào thế giới động vật. Y học hiện đại đã ghi nhận nhiều dịch bệnh lây từ động vật sang người, trong đó có HIV/AIDS, Ebola, Zika, SARS, MERS, cúm gia cầm và dịch hạch. Riêng với Covid-19, WHO cho biết vẫn đang điều tra nguồn gốc, nhưng “chứng cứ mạnh mẽ nhất vẫn là quanh sự lây truyền từ động vật”.
Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan cảnh báo rằng cách mà con người và động vật tương tác đã trở nên “mất ổn định”. Dịch bệnh từ động vật lây lan sang người đang gia tăng, trong khi con người lại khiến chúng lây lan rộng hơn, nhanh hơn và trở nên trầm trọng hơn.
Nói như chuyên gia dịch tễ Olivier Restif (Đại học Cambridge, Anh), thì các nghiên cứu cho thấy khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm ở người được ghi nhận đến nay là lây từ động vật. Ông Restif cho biết các mầm bệnh từ động vật và đợt bùng phát đã gia tăng trong vài thập niên qua do dân số gia tăng, quy mô gia súc tăng và việc lấn chiếm môi trường sống của động vật hoang dã.
“Động vật hoang dã đã thay đổi đáng kể hành vi của chúng nhằm phản ứng hoạt động của con người và di cư khỏi những môi trường sống đang bị thu hẹp của chúng. Động vật có hệ miễn dịch yếu tiếp xúc gần con người và động vật nuôi theo cách sẽ dẫn đến lây lan mầm bệnh hơn nữa”- ông Restif bày tỏ lo ngại.
Còn theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển, Pháp phá rừng làm giảm đa dạng sinh học. Chúng ta đã mất những loài động vật kiểm soát virus một cách tự nhiên nên virus lây lan dễ hơn. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ xuất hiện đại dịch mới. Khi động vật rời khỏi môi trường quen thuộc, chúng sẽ tiếp xúc với những loài khác lần đầu tiên từ đó xuất hiện nguy cơ lây lan virus một cách âm thầm giữa các động vật có vú, trong đó có con người. Nếu vật chủ ở gần con người thì lại càng đáng lo ngại.
Ngay từ năm 2007, WHO đã cảnh báo rằng các bệnh truyền nhiễm mới đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn đối với con người trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng, kháng kháng sinh và biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu tăng lên làm cho mùa đông ngắn hơn, là điều kiện cho một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và sốt rét phát triển mạnh hơn. Sự thay đổi thời tiết này cũng có lợi cho các tác nhân mang mầm bệnh tiềm ẩn, như muỗi và chuột, vì chúng có thể hoạt động và sinh sản lâu hơn và sớm hơn. Khí hậu ấm hơn cũng cho động vật đi xa hơn về phía bắc và đến độ cao cao hơn, vượt qua các biên giới và mang theo mầm bệnh tới những vùng đất mới.
Kết hợp với khí hậu ấm lên là sự thay đổi của vòng tuần hoàn nước. Mưa lớn và lũ lụt sẽ có nguy cơ nhiều hơn và dữ dội hơn. Lượng mưa lớn tạo thành những vũng nước tù đọng, là nơi sinh sản của muỗi.
Trong bối cảnh đó, việc con người sống tập trung đông đúc trong các đô thị và du lịch toàn cầu ngày càng phổ biến, dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi. chính vì thế, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết và quan trọng để bảo vệ sức khỏe của con người.
Quan niệm tiên tiến của y học cổ truyền Phương Đông
Y học cổ truyền Phương Đông có học thuyết “ngũ vận lục khí” hay gọi tắt là vận khí - một phương pháp để giải thích sự biến hóa của khí hậu thời tiết trong tự nhiên và sự ảnh hưởng tới vạn vật trong vũ trụ, đặc biệt đối với sức khỏe con người.
Ngũ vận lấy kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành phối hợp với thiên can để tính tuế vận của mỗi năm. Lục khí là 6 thứ khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa; đem phối hợp với địa chi, để tính tuế khí của mỗi năm. Kết hợp ngũ vận và lục khí lại, sẽ thành ra một công cụ lý luận để thuyết minh mọi phương diện trong hoàn cảnh tự nhiên và quan hệ trong y học.
Học thuyết vận khí lấy các yếu tố “thiên, địa, nhân” kết hợp lại, nắm quy luật của thời tiết khí hậu. Suy xét tình hình phát bệnh và khí hậu thay đổi trong từng năm, để tham khảo cho việc chẩn đoán và chữa bệnh.
Nhìn chung, y học Phương Đông xem trọng quan hệ giữa người với tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu với sức khỏe con người. Ví dụ vào mùa đông, cơ thể cố dự trữ năng lượng khi nhiệt độ hạ xuống, dẫn đến lưu thông máu kém. Thời tiết lạnh mùa đông cũng làm giảm lưu thông của dịch khớp. Lưu thông dịch khớp giảm, làm sự cọ xát giữa các đầu xương tăng lên, khiến bệnh nhân đau nhiều hơn.
Vào mùa hè, áp suất không khí và độ ẩm cũng liên quan với đau khớp. Bệnh nhân hay cảm thấy đau vào những ngày nóng khi áp suất không khí giảm khiến các khớp giãn ra, chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh.
Khi thời tiết thay đổi, theo y học Phương Đông, ảnh hưởng dễ nhận thấy và phổ biến nhất là huyết áp. Nhiệt độ đột ngột xuống thấp khiến các mạch máu bị co lại làm tăng huyết áp, dễ xảy ra tai biến hay đột quỵ, nhất là đối với bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp. Còn vào tiết giao mùa, rõ nhất là từ lạnh sang nóng, những người gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, dị ứng sẽ trầm trọng hơn. Vào mùa xuân, thời tiết trở nên ấm áp hơn, nhưng đây cũng là mùa của các loài hoa thụ phấn hay côn trùng sinh sôi. Đây là nguyên nhân gây ra các cơn dị ứng cho con người...
Càng ngày, giới nghiên cứu y học hiện đại càng nhận ra tính ưu việt của y học cổ truyền Phương Đông, không chỉ về mặt y lý mà còn rất thực tiễn, nhất là mối tương tác giữa con người với thế giới tự nhiên. Đặc biệt, khi nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện mà nguyên nhân từ biến đổi khí hậu thì điều đó lại càng được khẳng định.
Tiến sĩ Eric Favre (Đại học Liverpool, Anh) cho rằng nhân loại cần sẵn sàng đối phó một loạt bệnh nguy hiểm mới có thể xuất hiện. Ông kêu gọi tập trung vào y tế công tại những môi trường xa xôi và nghiên cứu nhiều hơn về hệ sinh thái tại những khu vực thiên nhiên này để hiểu rõ hơn về sự tương tác của các loài.
Còn chuyên gia dịch tễ Olivier Restif (Đại học Cambridge, Anh) cho rằng không có giải pháp kỳ diệu nào và cần hành động ở mọi cấp độ nhằm giảm thiểu nguy cơ. “Chúng ta cần đầu tư lớn vào năng lực xét nghiệm và y tế tuyến đầu tại các cộng đồng thiệt thòi trên khắp thế giới để phát hiện, nhận diện và kiểm soát sự bùng phát mà không bị trì hoãn”- ông khuyến cáo.
Trong khi đó, một nhóm chuyên gia cố vấn khoa học của WHO đã đưa ra báo cáo sơ bộ và vạch ra điều cần làm khi xuất hiện mầm bệnh lây từ động vật sang người. Khuyến cáo liệt kê những việc cần điều tra sớm về cách mầm bệnh lây sang người, đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, cũng như những tác động môi trường về lâu dài.