Thời gian qua, nhiều người bị chó, mèo cắn. Một số người đã tử vong. Cho dù cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo nhưng nhiều người vẫn chủ quan, không tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi. Đặc biệt đáng lo ngại khi nhiều người bị chó, mèo, cắn không đi tiêm vì cho rằng tiêm phòng dại ảnh hưởng đến thần kinh. Chính vì thế mà mức độ nguy hiểm càng cao.
Cả nước hiện có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn là 7,6 triệu con. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố. Còn trong năm 2023, cả nước có 82 người chết do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022.
Cuối tháng 4, người phụ nữ 54 tuổi ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tử vong do bị chó cắn. Trước khi nhập viện 3 tháng, nạn nhân bị một con chó chạy rông cắn nhưng chỉ rửa vết thương bằng nước muối; không tiêm phòng ngừa dại. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất. Thông tin từ Sở Y tế Bình Thuận cho biết, từ đầu năm tới nay trên địa bàn tỉnh này bệnh dại diễn biến rất phức tạp, liên tiếp xảy ra các ổ dịch dại trên đàn chó, mèo. Trong khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật rất thấp. Theo số liệu của Cục Thú y Bình Thuận, toàn tỉnh chỉ có 38% đàn chó, mèo được tiêm vaccine phòng dại.
Nắng nóng gay gắt thì việc vật nuôi bị dại càng tăng, nguy cơ bệnh dại trên người càng lớn. Tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước giữa tháng 6 vừa qua, có 6 người bị chó dại cắn, 1 người tử vong. Tất cả 6 người đó sau khi bị chó cắn đều không điều trị và cũng không tiêm huyết thanh phòng dại.
Cũng cần kể thêm một trường hợp hy hữu mới đây vào cuối tháng 6, ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai khi hai vợ chồng bị chó cắn rồi chế biến để ăn thịt, người vợ tử vong do bệnh dại. Trước đó, người chồng khi cho chó ăn bị chó cắn vào bàn tay. 3 ngày sau đó, con chó chết và được chế biến làm thực phẩm vì gia đình không nghĩ đến việc con chó bị bệnh dại, dẫn đến hậu quả rất đau lòng.
Nhưng có lẽ vụ một con chó chạy vào trường học ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh (hồi cuối tháng 2), cắn liên tiếp 13 học sinh và 1 thầy giáo là bất ngờ nhất, tuy rằng không để lại hậu quả nghiêm trọng.
Điều đó cho thấy chó, mèo phát dại tấn công con người là rất khó lường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Nhưng thật đáng lo ngại khi nhiều người lại có tâm lý chủ quan, e ngại tiêm vaccine phòng dại vì lo sợ vaccine gây ảnh hưởng đến thần kinh. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, đến nay vẫn không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Cách duy nhất để thoát khỏi bệnh dại là sử dụng vaccine phòng dại để kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể chống lại virus dại. Trước đây, Việt Nam sử dụng loại vaccine phòng bệnh dại được sản xuất bằng công nghệ cũ, từ mô não chuột. Tuy nhiên, vaccine cũ đã bị dừng sản xuất và sử dụng từ năm 2007, thay thế hoàn toàn bằng vaccine mới được sản xuất bằng công nghệ tế bào nhập khẩu, an toàn, tinh khiết và hiệu quả cao, không có tác dụng phụ nguy hiểm đến hệ thần kinh và sự phát triển nói chung.
Vaccine dại không có chống chỉ định trong bất kỳ tình huống nào, kể cả các bà mẹ mang thai hay cho con bú hoặc trẻ sơ sinh, người mắc bệnh mạn tính, cấp tính... nếu bị chó, mèo cắn đều tiêm chủng được mà không ảnh hưởng đến thai nhi hay sức khỏe của người tiêm chủng.
Khi bị chó, mèo cắn cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt. Thời điểm tốt nhất là trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khi bị chó, mèo cắn. Nếu chủ quan hoặc chần chừ tiêm vaccine phòng dại hậu quả sẽ khó lường. Vì thời gian phát bệnh của mỗi người không giống nhau, có khi chỉ vài ba ngày sau khi bị chó, mèo dại cắn. Nhưng cũng có khi ủ bệnh tới 3-4 tháng.
Việc không đi tiêm ngay mà nấn ná chờ “động tĩnh” từ con vật cắn mình xem có phát dại hay không là rất nguy hiểm. Việc tự điều trị bằng các phương thuốc truyền miệng cũng nguy hiểm không kém. Cách duy nhất khi bị chó, mèo cắn là phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm huyết thanh phòng dại. Đó là cách bảo vệ mạng sống của bản thân tốt nhất.
Cùng đó, việc tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo là rất cần thiết. Đây không chỉ dừng lại ở việc vận động, kêu gọi mà cần phải bắt buộc vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.