Ngày 10/1, TAND TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ Trầm Bê, Phạm Công Danh và 44 đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hàng loạt ngân hàng.
Ông Trầm Bê tại tòa (Ảnh: VNE).
Thẩm phán Phạm Lương Toản đã tiến hành xét hỏi ông Trầm Bê liên quan đến mối quan hệ với ông Phạm Công Danh.
Ông Trầm Bê thừa nhận ông Danh là khách hàng lâu năm của Ngân hàng, qua quan hệ tín dụng làm ăn chung với nhau. Và, việc Chủ tịch HĐQT ngân hàng đi vay cũng là điều bình thường.
Liên quan đến cáo buộc về tội “cố ý làm trái”, ông Trầm Bê cho rằng tùy theo cách hiểu của mỗi ngân hàng về Luật Tổ chức tín dụng.
Bị cáo Trầm Bê cho rằng “Luật quy định nếu thu được vốn, không bị mất tài sản thì sẽ không bị khởi tố hình sự”.
Trong trường hợp cho ông Phạm Công Danh vay tiền, Trầm Bê chỉ không quan tâm đến phương án kinh doanh trả nợ, nhưng đã xem xét tài sản đảm bảo của ông Danh đủ khả năng trả nợ mới cho vay.
Trước tòa, bị cáo Trầm Bê phủ nhận việc trực tiếp đưa Phạm Công Danh đến gặp ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank). Ngược lại, bị cáo Trầm Bê đã tin tưởng giao việc cho người nắm nghiệp vụ và tham mưu vững.
Vì vậy, Sacombank sau đó đã quyết định cho các công ty do Phạm Công Danh giới thiệu vay 1.800 tỷ đồng, mức cho vay tối đa trong quyền hạn của ông Trầm Bê tại Sacombank.
Ông Trầm Bê cũng cho rằng, vấn đề hiểu sai Luật Tổ chức tín dụng như cáo buộc thì chỉ có Sacombank liên quan.
Nhưng, thực tế thì ngoài Sacombank còn có cả TPbank và BIDV. Do đó, bị cáo Trầm Bê cho rằng nếu căn cứ cứng nhắc vào luật để cáo buộc ông tội “Cố ý làm trái” là không khách quan, công bằng.
Trả lời HĐXX, ông Trầm Bê cũng đề nghị tòa xem xét đối với hai tài sản mà ông đang bị kê biên, trong đó có ngôi nhà ở đường Hùng Vương (Q. Bình Tân) thuộc sở hữu của chị vợ ông và một căn nhà ở đường Hồng Bàng (Q.6) là tài sản của hai vợ chồng được cha mẹ để lại. Do đó, ông Trầm Bê đề nghị HĐXX xem xét trả lại cho vợ và chị vợ của ông.
Theo cáo trạng của Viện KSND, ông Trầm Bê khai với cơ quan điều tra vào tháng 4-2013, ông Phạm Công Danh tới Ngân hàng Sacombank để gặp ông Trầm Bê và đặt vấn đề vay khoảng 2.000 tỉ đồng.
Ông Trầm Bê đồng ý cho vay nhưng yêu cầu ông Danh phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó, ông Trầm Bê dẫn ông Danh xuống phòng làm việc của Tổng GĐ Ngân hàng Sacombank.
Tại đây, cả ba người thống nhất cho ông Danh vay từ 1.300 tỉ đồng đến tối đa 1.800 tỉ đồng, nhưng phải có tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, để đảm bảo giải ngân khoản vay nhanh chóng cho ông Danh, ông Trầm Bê đã để nguyên Tổng GĐ Sacombank tổ chức thực hiện việc cho ông Danh vay mà không cần phải trình lên HĐQT quyết định.
Đối với ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị nguồn tiền bảo lãnh, lập phương án kinh doanh, hồ sơ vay theo yêu cầu của phía Sacombank. Cáo trạng cũng cáo buộc ông Trầm Bê đã phê duyệt các khoản vay dù hồ sơ chưa đầy đủ.
Khi quá hạn vay, 6 công ty của ông Danh không trả được nợ, phía Ngân hàng Sacombank đã tiến hành thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của Ngân hàng VNCB tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.800 tỉ đồng.
Trong ngày xét xử thứ ba, HĐXX cũng xét hỏi đối với ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) liên quan đến số tiền hơn 6.100 tỷ đồng được xác định là hậu quả của vụ án.
Khi được xét hỏi, ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng GĐ Ngân hàng Sacombank) cũng đã thừa nhận trách nhiệm chỉ đạo điều hành trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền.
Ông Khang thừa nhận do tin tưởng và chấp hành chủ trương của Trầm Bê nên đã bị xem xét trách nhiệm, tuy nhiên ông Khang vẫn khẳng định việc dùng tiền gửi làm tài sản đảm bảo cho khoản vay là đúng quy định.
Đối với 6 bị cáo đứng tên làm giám đốc để ông Phạm Công Danh mượn pháp nhân vay tiền tại Sacombank cũng đã thừa nhận hành vi trong bản cáo trạng.
Tại phiên xét xử này, tòa cũng tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Phạm Công Danh, trong đó bị cáo đã thừa nhận sai phạm khi vay tiền tại Sacombank và hành vi cùng một lúc mượn các ngân hàng khác cấp nhiều khoản tín dụng có giá trị lớn cho mình.
Tuy nhiên, ông Danh cho rằng nỗ lực của mình không xuất phát từ động cơ cá nhân mà do áp lực rất lớn để có tiền chăm sóc khách hàng và trả nợ tiền mua ngân hàng của bà Hứa Thị Phấn.