Mặc dù các chuyên gia luôn đưa ra những khuyến cáo, rất nhiều chị em phụ nữ vẫn lao vào công cuộc làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy filler. Đã có nhiều người phải hứng chịu hậu quả kinh khủng.
Ảnh minh họa.
Năm 2016, một nạn nhân nữ 23 tuổi bị hoại tử môi phải nhập viện do biến chứng sau khi tiêm filler tại spa ở ngõ Vạn Kiếp, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã khiến dư luận xôn xao. Cũng cách đây không lâu, một phụ nữ 40 tuổi ở TP HCM vào viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng huyết do ổ áp xe vùng mặt sau bơm chất làm đầy. Còn gần đây nhất, một cô gái trẻ bị hoại tử mũi do bơm chất làm đầy…
Theo PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình (BV Trung ương Quân đội 108) đã phải cứu chữa cho rất nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy. Đa số là ở trong tình trạng bị biến chứng do lạm dụng tiêm filler, nâng mũi bị biến dạng hoặc sưng tấy, tiêm môi thì bị hoại tử hoặc tiêm ngực thì bị viêm nhiễm dẫn đến xơ hoá, vón cục như quả cam, quả chanh dẫn đến nhiễm trùng…
Về mặt khoa học, bản thân chất làm đầy filler là chất an toàn và được dùng rộng rãi trong thẩm mỹ nội khoa - bơm làm đầy, bởi nó có thể bù đắp lại những khuyết hổng tổ chức nhỏ trên cơ thể. Filler được tiêm vào cơ thể người có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp không xâm lấn mà trên thế giới đã áp dụng chất này trong thẩm mỹ từ những năm 2000.
Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Y tế mới chỉ cấp phép cho sử dụng một số ít filler cho mục đích thẩm mỹ trên người như Restylane và Juvéderm. Hai loại filler này có cấu tạo từ axit hyaluronic, một thành phần nằm trong da người, là những chất làm đầy được phép sử dụng trên người cho mục đích thẩm mỹ. Mục đích của filler là làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận rất nhỏ nào đó trên cơ thể như: môi, mí mắt, viền mắt, ngực, mông… với 1 lượng rất nhỏ chỉ 1 đến vài xi-lanh nếu đảm bảo tuân thủ quy tắc, liều lượng hợp lý, độ sâu và vị trí tiêm chính xác. Khi ấy, các phân tử HA có trong filler sẽ đổ đầy các thể tích mô giúp vị trí được tiêm đầy hơn, cao hơn và có hình dáng như mong muốn. Nhưng nếu lạm dụng bơm với thể tích lớn, người sử dụng chất này không có kỹ thuật sẽ gây những tai biến, tai nạn cho người dùng, thậm chí dẫn tới tử vong.
Chưa kể, ở Việt Nam, tại các cơ sở thẩm mỹ, silicone lỏng (đã bị cấm) và các chất làm đầy không rõ nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc... đã được quảng cáo và sử dụng trá hình là chất làm đầy filler.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo: Bơm chất làm đầy vào vùng mặt có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như thuyên tắc mạch máu não gây các biến chứng liệt, tổn thương thần kinh, mù mắt… Quy trình thực hiện không đảm bảo vô trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong…
Theo PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, không nên tiêm filler để nâng mũi, bởi filler là chất lỏng, không thể đậu trên sống mũi lâu được mà chỉ một thời gian ngắn chúng sẽ chảy tràn sang hai bên cánh mũi, làm mũi bị bè, to, rất xấu. Mặt khác, nếu lạm dụng tiêm nhiều chất này ở những cơ sở không được cấp phép trong khi tay nghề kỹ thuật viên không chuyên nghiệp sẽ dẫn đến biến chứng như: nhiễm trùng, hoại tử do filler không đảm bảo.