Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 dự kiến diễn ra từ 2-3/10/2019 với 5 hội thảo chuyên đề bao gồm: Ngân hàng thông minh; Đô thị thông minh; Sản xuất thông minh; Năng lượng thông minh; Kinh tế số sẽ trở thành một trong những diễn đàn thường niên lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Vấn đề trở ngại đối với công nghiệp 4.0 tại Việt Nam là gì rất cần được tháo gỡ bằng những cơ chế chính sách để biến thách thức thành cơ hội.
Cơ chế cho kinh tế số
Nhớ lại bối cảnh cùng thời điểm năm 2018, khi dự diễn đàn lần thứ nhất về công nghệ 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ, các Bộ, ngành phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng nhấn mạnh: Nghị quyết sẽ thực sự khoa học, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn cách mạng công nghiệp 4.0 với chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẽ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham gia của các Bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng chiến lược quốc gia để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó chú trọng việc xây dựng đề án thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam. Trong chiến lược quốc gia cũng chú trọng việc xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về cách mạng công nghiệp 4.0.
Những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng 4.0 đã được nhận diện. Bản thân Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương cũng đã ước lượng được những tiền đề, nhưng để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần sự hoàn thiện về mặt định hướng của Đảng, thể chế chính sách pháp luật của Nhà nước với vai trò “kiến thiết”. Và điều được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra vào lúc này nằm ở việc cần hoàn thiện hệ thống thể chế thuận lợi cho nền kinh tế số phát triển và tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, tự do hóa đầu tư tham gia, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó phải rà soát mục tiêu “tái cơ cấu kinh tế” để điều chỉnh kịp thời nhằm tận dụng cơ hội. Vì thế cần phải có những cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm công nghệ cao, đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nền công nghiệp thông minh, nông nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh, thúc đẩy việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Bộ Công Thương - đề cập việc cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường phát triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ pháp lý phát triển các hình thức kinh doanh mới. Bên cạnh đó, là các giải pháp tối ưu hóa mô hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ra đời của tư liệu sản xuất và sự thay đổi về phương thức sản xuất mới dưới tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khi chia sẻ kinh nghiệm của mình nhằm đưa ra khuyến nghị với Việt Nam, TS. Conor O’Toole - Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Ailen - đã cho rằng cần có nhiều chính sách quan trọng cho sự chuyển đổi, trong đó tập trung cho giáo dục và đào tạo tốt, đặc biệt là trong khoa học và công nghệ, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và quản lý tài chính công tốt. Đồng thời, đầu tư có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng công sang hàng hóa và con người cũng như đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cần đột phá trong chất lượng nguồn nhân lực
Những thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam là đa số các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp với nhiều hạn chế như: Quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Hiện trạng là 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990; khoảng 75% số máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi đó, với những đòi hỏi về nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng những đổi thay về mặt công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh.
Vì thế sự “kích cầu” của chính sách là điều rất cần ở thời điểm hiện nay, bởi thực tế mà nói thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam còn chưa hoàn thiện. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu theo chiều rộng, dựa nhiều vào khai thác tự nhiên và lao động phổ thông giá rẻ, chuyển đổi chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của nhiều sản phẩm của Việt Nam còn thấp, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu rất hạn chế. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, các linh kiện, thiết bị điện tử phần lớn là do các doanh nghiệp FDI sản xuất, công nghệ thông tin, viễn thông phát triển nhanh nhưng chủ yếu là nhập khẩu thiết bị để kinh doanh dịch vụ, công nghiệp phần mềm khá phát triển cũng chỉ chủ yếu là gia công cho nước ngoài.
Do đó vấn đề chính sách cho “công nghiệp hóa” để “sản xuất thông minh” đang được đặt ra nhằm nắm bắt những thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại bằng việc học hỏi đúc kết kinh nghiệm của những nước đi trước để có thể hòa ngay vào quá trình công nghiệp 4.0.
Nhưng điều lưu ý được các chuyên gia kinh tế đặt ra là việc đổi mới, hoàn thiện thể chế phải thúc đẩy hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển những ý tưởng sáng tạo mới thành sản phẩm cung cấp cho thị trường; thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, hình thành những tập đoàn kinh tế lớn tham gia, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận, tiếp thu những thành tựu mới của khoa học công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thế nhưng thực trạng đó đặt ra những vấn đề về phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nâng cao năng lực sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Bởi chất lượng nguồn nhân lực được coi là những yếu tố “then chốt”, tạo ra sự phát triển đột phá, là đặc trưng của phương thức phát triển mới trong nền kinh tế tri thức thông minh, gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học công nghệ với thực tiễn cuộc sống, với nhu cầu phát triển, đổi mới của các ngành, lĩnh vực. Nhưng để “gỡ” phải được cụ thể hóa bằng việc đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách. Mà theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cần phải có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ thỏa đáng đối với các chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ, những người có kết quả nghiên cứu, sáng tạo có giá trị cao; có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học công nghệ trẻ, có tiềm năng ở trong và ngoài nước, thu hút chuyên gia khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước.
TS. Hà Thị Hương Lan - Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho rằng: Coi con người là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp, do đó chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp, mà trước hết phải có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng để nâng cao năng suất lao động, coi trọng công tác tuyển dụng, có chiến lược bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Đổi mới quản trị nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, quản trị thông minh
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, trong đổi mới quản trị nhà nước thì vấn đề trực tiếp nhất, quan trọng nhất là đổi mới quản trị của Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ quản trị thông minh. Để làm được điều này cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng kết nối Chính phủ tới tất cả các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, từng người dân, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về từng người dân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, tới tất cả các ngành, địa phương; tất cả các văn bản chỉ đạo, các báo cáo, số liệu về tình hình của các cấp, các ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần đổi mới tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, hợp lý, phù hợp với yêu cầu, chức năng, quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và với điều kiện hệ thống quản lý đã được tin học hóa, được trang bị những thiết bị thông tin, hệ thống mạng hoàn chỉnh, hiện đại, cho phép mở rộng khả năng theo dõi, nắm bắt tình hình, phân tích, đánh giá thông tin.