Quy định chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên có hiệu lực từ tháng 3/2021. Rồi đây, tất yếu việc quy định phải có một số chứng chỉ chỉ để “làm khó” khi tuyển dụng, bổ nhiệm ở các lĩnh vực, ngành nghề… cũng sẽ được bãi bỏ. Dẫu có muộn màng thì đó cũng là việc phải làm.
Một chứng chỉ, nhiều kiểu cấp
Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước trong thông báo tuyển dụng, ngoài tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn với bằng cấp tương ứng còn yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ tùy theo từng vị trí công việc. Trong khi nhiều trường yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ với bằng IELTS, TOEIC, TOEFL… thì tiêu chuẩn theo điều kiện tuyển dụng lại là theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT nên nhiều ứng cử viên phải đi thi thêm chứng chỉ Tiếng Anh. Nhiều chuyên gia đã đề xuất về việc cần có quy định về chuyển đổi giữa các văn bằng để tránh cho người học phải thi nhiều loại văn bằng chứng chỉ trong khi năng lực sử dụng thực chất mới là yếu tố cần được nâng cao.
Riêng đối với chứng chỉ tin học, khi các cơ quan tuyển dụng yêu cầu thì các ứng cử viên đều phải đi thi vì trong trường đại học, thậm chí là khi học thạc sĩ cũng không có chứng chỉ tương đương mà chỉ có môn tin học.
Một ứng cử viên từng tham gia xét tuyển vị trí việc làm thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ đợt tháng 5/2020 cho biết, theo tiêu chuẩn chức danh được công bố, ngoài bằng ĐH khối ngành kinh tế anh này đang sở hữu, ứng cử viên cần có tiếng Anh trình độ bậc 2 (A2) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT hoặc tương đương. Về tin học, trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 hoặc tương đương.
“Dù đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học của Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhưng khi đối chiếu sang đây không tương đương nên tôi phải tìm hiểu trung tâm để thi lấy chứng chỉ. Nhưng mỗi nơi một kiểu với muôn vàn giá cả, cách thức. Đơn cử như có nơi chào giá 800 nghìn/ chứng chỉ tin học và khẳng định văn bằng có giá trị trên toàn quốc, do 1 trong các cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng chỉ công nghệ thông tin đã được quy định. Tuy nhiên, tùy từng đợt thi sẽ do các đơn vị khác nhau cấp bằng. Thời gian thi 90 phút gồm cả lý thuyết và thực hành. Trong khi đó, một cơ sở khác cho biết lệ phí thi là 1,2 triệu và thi tại ĐH Quốc gia Hà Nội, phòng thi sẽ có camera giám sát, có hồ sơ lưu tại đơn vị nên văn bằng đảm bảo hợp lệ 100%. Thời gian thi 120 phút” - vị này kể lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn kết, đặc điểm chung của các trung tâm này là mức lệ phí đã bao đỗ trọn gói. Từ lúc đăng ký, cán bộ của trung tâm sẽ gửi luôn tài liệu ôn tập để các cá nhân học. Có trung tâm cam kết thi đỗ luôn lần đầu bất kể bạn trình độ gì. Cũng có trung tâm cho biết nếu không đỗ ngay lần thi đầu thì sẽ miễn phí thi lại đến khi đỗ thì thôi!
Như vậy, khi đơn vị có thông báo tuyển dụng với tiêu chuẩn bao gồm bằng tin học, ngoại ngữ, nhiều ứng cử viên đã tìm đến các trung tâm để đăng ký thi. Nhưng tùy từng năm, các yêu cầu này là khác nhau. Chỉ trong một thời gian ngắn, đòi hỏi ứng cử viên phải bổ sung được chứng chỉ này để nộp hồ sơ qua vòng sơ tuyển khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực thực sự của tấm văn bằng này có thực chất?
Phối hợp giữa các bộ ngành cần đồng nhất
Hiện nay, Bộ Nội vụ là đơn vị quản lý ngạch công chức, viên chức hành chính. Các ngạch công chức, viên chức khác do các bộ chuyên ngành quản lý. Đại diện Bộ Nội vụ cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Trong đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Hay như Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định về việc miễn thi hay yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc thi tuyển dụng viên chức hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Quy định về các điều kiện để thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và nâng ngạch công chức cũng chỉ yêu cầu có trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với vị trí việc làm…
Câu chuyện giữ hay bỏ chứng chỉ không chỉ là của Bộ Nội vụ mà cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ ngành liên quan. Nhất là khi ngành giáo dục đã “đột phá” với quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học từ tháng 3/2021, nhiều ý kiến đãbày tỏ mong muốn các ngành khác cũng sớm bãi bỏ những quy định rườm rà, mang nặng tính hình thức này.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng giáo dục phải thực học. Muốn biết trình độ tin học, ngoại ngữ của một người đến đâu, chỉ cần phỏng vấn, thực hành xử lý văn bản… trong một khoảng thời gian ngắn là rõ. Những chứng chỉ thi gấp rút nói thẳng ra nhiều nơi có thể mua được bằng tiền thì chất lượng ứng cử viên hẳn là một câu hỏi lớn mà nếu chỉ nhìn vào hồ sơ, có thể để lọt những ứng cử viên không đạt yêu cầu.
“Bỏ những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hay các chứng chỉ nghề nghiệp không cần thiết, mang tính chất hình thức sớm ngày nào tốt ngày đó. Điều này sẽ giúp giảm bớt thủ tục rườm rà, không cần thiết đối với công chức, viên chức. Thay vào đó là các yêu cầu nâng cao nghiệp vụ, cọ xát thực tế công việc đòi hỏi cần gì thì bổ sung nấy sẽ hữu hiệu hơn”- ông Nhĩ kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Bùi Thị An- nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhìn nhận, một người sở hữu hàng chục chứng chỉ văn bằng cũng không nói lên được năng lực thực sự của người đó. Việc thi lấy chứng chỉ để đáp ứng một yêu cầu nào đó tức thì, trong một thời gian ngắn khó mang lại hiệu quả thực chất và năng lực, có chăng chỉ để làm đẹp hồ sơ. Còn những người có năng lực thực sự mà không sở hữu văn bằng theo đúng tiêu chuẩn hồ sơ đặt ra sẽ bị thiệt thòi?
“Từ bước đột phá của Bộ GDĐT, đã đến lúc chúng ta chấm dứt tình trạng máy móc và hình thức chủ nghĩa trong tuyển dụng, nâng hạng, bổ nhiệm khi chỉ căn cứ vào văn bằng. Đánh giá trình độ cán bộ phải căn cứ vào năng lực thực tế”- bà Bùi Thị An đề xuất.