Tinh hoa Việt

Bóng cây và khoảng trời

Nguyễn Xuân Thủy 20/04/2024 11:27

“Hồi ấy chưa có cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Mỗi lần về quê theo Quốc lộ 2, khi ngang qua Hương Canh, đến đoạn gần Hợp Thịnh, Tam Dương, tôi cứ phải ngó sang bên phải đường, xa xa có một cây trôi lừng lững giữa cánh đồng”, anh Tính nói.

cay-troi.jpg
Cây cổ thụ có giá trị lịch sử, văn hóa với cộng đồng dân cư từng vùng đất. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Hoàng Quốc Tính, 42 tuổi, sống ở Hà Nội nhưng gốc Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Hình ảnh cây trôi đại thụ ở Hợp Thịnh đã in sâu vào tâm trí anh sau mỗi lần về quê. “Nhìn thấy cây là biết sắp đến Vĩnh Yên rồi, về tới nhà không còn bao xa”, anh nói.

Một người quê nơi khác mà còn nhớ cây trôi, huống gì dân địa phương. Bao lớp người sinh ra và lớn lên dưới tán cây được cho là đã có cả ngàn năm tuổi này.

Đến nay, khi cây trôi đã chết cả chục năm, nhiều người Hợp Thịnh lâu lâu lại nhắc nhớ về cây trôi cổ thụ, một biểu tượng của quê hương họ. Hơn chục năm trôi qua, nay người ta qua điện thoại vẫn còn hẹn nhau “đang đợi em ở chỗ cây trôi” hay “hôm nay ra sân cây trôi tập thể dục ông bà nhé”.

Trong đề án đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc công nhận Hợp Thịnh là đô thị loại V, ở phần liệt kê các công trình công cộng của xã, văn bản của UBND huyện Tam Dương vẫn còn ghi “trường mầm non trung tâm xã (khu vực cây trôi cũ)”.

Người ta nói cái gì tồn tại thật lâu cũng trở nên linh thiêng đối với ai đó. Những thứ ấy đã chứng minh được khả năng thích nghi, vượt qua thử thách và biến đổi của môi trường sống, thể hiện sức mạnh và sự bền bỉ. Những thứ tồn tại lâu dài thường gắn liền với lịch sử, văn hóa và ký ức, trở thành biểu tượng cho những giá trị, niềm tin và truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Càng tồn tại lâu, các cổ vật đó càng trở nên hiếm hoi và quý giá. Chúng đại diện cho một thời kỳ đã qua, không thể nào quay lại.

Một cây cổ thụ, một ngôi chùa cổ, tóm lại là những thứ trường tồn thường được người ta gán cho những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, được xem như hình ảnh của thần linh, tổ tiên hoặc những thế lực siêu nhiên, giúp gợi nhớ quá khứ, những giá trị truyền thống và sự kết nối với thế hệ trước.

Chẳng thế mà hồi còn xanh tốt, cây trôi là vật chủ được dân địa phương gán với những câu chuyện li kỳ, pha chút huyền bí.

Nổi tiếng nhất là câu chuyện “cây thần trừng phạt”. Rằng năm ấy cây trôi cổ thụ bị gãy một cành lớn, là cành cây chĩa vào làng Hợp Thịnh. Và chỉ trong một tháng, hơn 10 người làng qua đời vì nhiều nguyên nhân.

Dân làng đồn đại, cho rằng đó là do “mộc thần” nổi giận mà gốc rễ là do xã cho trồng một cây đa ở khu vực gần cây trôi. Việc này đã “phạm thượng” đến thần cây trôi, vì “ai lại đặt một cái cây không tên tuổi bên cạnh một cái cây bề thế nhường ấy?”

Có người còn nói “dạo này ra chỗ cây trôi cứ thấy hiện tượng lạ: cứ từ 6h tối trở đi, ở đây xuất hiện mùi khét, khi thì giống như ai đốt đống rác có dầu thực vật, lúc thì như mùi rau muống xào”. Lại có lời đồn rằng đấy là “gia đình nhà ma nấu cơm”. Gốc cây trôi là điểm các đám tang người làng đi qua đều dừng chân, nên vô hình trung, nhiều linh hồn đã trú ngụ trên cây trôi cổ thụ.

Sau này, cổ thụ cũng đã được “minh oan”. Giải thích về mùi khét ở khu vực có cây trôi khiến nhiều người đồn thổi là “ma nấu cỗ”, một thầy lang của làng lý giải: Đó là mùi cây phèn đen, người ta vẫn dùng nhuộm quần áo. Loại cây này có quả chín, lá giống nhưng nhỏ hơn lá khế, mọc tự nhiên rất nhiều ở các bờ rào, tỏa ra mùi khét khi trời tối. Đây cũng là một loại cây thuốc nam mà trạm xá xã hay trồng. Cây phèn đen có tác dụng trị rắn cắn rất tốt. Nếu bị zona thần kinh, giời leo, giã lá đắp rất hiệu quả. Cành phèn đen cũng là một vị trong bài thuốc chữa viêm cầu thận.

Còn theo các cán bộ y tế xã, trong tháng xã có 12 người chết thì 3 người mất vì tuổi già, 6 người vì bệnh nan y, 2 người xuất huyết não, 1 người chết đuối, 1 bé sơ sinh viêm tắc ruột bẩm sinh qua đời khi mới 20 ngày tuổi.

Cây trôi ở xã Hợp Thịnh chết năm 2011. Con đường đầu làng Hợp Thịnh nay không còn bóng trôi cổ thụ có thể trông thấy từ xa, làm mốc chỉ giới cho những người như anh Tính.

Nhưng ở Vĩnh Phúc, còn rất nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm. Trong số đó, có trên dưới 20 cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Danh sách này gồm có ba cây đa, trôi, bồ đề (xã Tân Phú, Vĩnh Tường); cây lộc vừng và hai cây bồ đề (xã Sơn Đông, Lập Thạch); cây đa, cây gạo (xã Trung Kiên, Yên Lạc); hai cây gạo (xã Cao Phong, Sông Lô); 6 cây đa và một cây đại (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường); hai cây đa (xã Đồng Tĩnh và xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương)…

Ngay tại huyện Lập Thạch quê anh Tính, chỉ một xã Sơn Đông đã có ba cây cổ thụ được công nhận là cây di sản. Cây lộc vừng hơn 600 năm tuổi tại đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn có chiều cao khoảng 10 m, tán lá rộng gần 20 m. Người ta nói cây gắn với di tích đền thờ Tả Tướng quốc, “chứng kiến” những thời khắc lịch sử oai hùng của dân tộc, công lao to lớn của Trần Nguyên Hãn giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cả cái chết đầy oan khuất của vị danh tướng.

Nhưng ở Sơn Đông, nổi tiếng nhất có lẽ là cây bồ đề ở đình làng Phú Hậu. Hình ảnh bồ đề cổ thụ hơn 300 năm tuổi cao gần 40 m, cành lá xum xuê, phần rễ cây ôm trọn cổng đình, xuất hiện trên nhiều trang báo, trên các diễn đàn nhiếp ảnh hay hội nhóm yêu làng cổ. Mà ở vùng Lập Thạch, đâu chỉ có ba cổ thụ ở Sơn Đông.

Nhiều tài liệu nói rằng Lập Thạch là vùng đất cổ. Cổ ở đây có nghĩa là đất đai được hình thành rất sớm, hầu hết từ đại nguyên sinh đến đại trung sinh. Nơi “trẻ” nhất cũng có “tuổi đời” trên 200 triệu năm. Cái “cổ” thứ hai là con người đã sinh sống ở vùng đất này từ rất sớm. Vậy nên, Lập Thạch có nhiều thứ “cổ” trong đó có cổ thụ, cũng là hợp lẽ.

Ngoài ba cổ thụ ở Sơn Đông, vùng đất “đá dựng” này còn có cây đa cổ thụ gần 300 năm tuổi tại đình Hoa Lư, thị trấn Hoa Sơn và hai cây đa tại đình Ngọc Liễn, xã Liên Hòa.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, các cây đa cổ thụ ở huyện Lập Thạch có giá trị tâm linh, giá trị lịch sử, đặc biệt là giá trị về nguồn gen thực vật trong hệ sinh thái.

Tất nhiên, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn và cổ thụ, dù trường tồn, cũng sẽ có ngày rời bỏ cuộc sống. Cây trôi ở Hợp Thịnh tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm, thì cũng phải đến lúc kết thúc sự sống, để lại cho người đời những tình cảm tiếc nuối.

Hơn chục năm sau khi cây trôi chết đi, người dân Hợp Thịnh gặp nhau trên mạng vẫn chia sẻ những hình ảnh cũ của trôi cổ thụ, vẫn bảo nhau nhớ về “vị chua chua ngọt ngọt lẫn mùi khét của hoa trôi, quả trôi”, đi trên đường nhựa khang trang vẫn thấy bồi hồi vì “một khoảng trời trống vắng” nơi gốc trôi ngày xưa.

Một cây cổ thụ, một ngôi chùa cổ, tóm lại là những thứ trường tồn thường được người ta gán cho những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, được xem như hình ảnh của thần linh, tổ tiên hoặc những thế lực siêu nhiên, giúp gợi nhớ quá khứ, những giá trị truyền thống và sự kết nối với thế hệ trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng cây và khoảng trời