Nhìn lại bức tranh kinh tế đất nước năm 2019, thật tự hào với những gì đạt được, với GDP tăng trưởng ở mức cao hàng đầu thế giới (chắc chắn ở mức 6,8%). Càng tự hào hơn khi những thành tựu đó có được khi chúng ta đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức từ bản thân nền kinh tế trong nước cũng như kinh tế khu vực và phạm vi toàn cầu.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong năm 2019.
Ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực
Với tổng dân số 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10.000 tỉ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do có những tác động mạnh mẽ nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Với hàng loạt các nội dung cam kết về điều kiện mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và sớm được đưa vào thực thi, CPTPP được đánh giá là Hiệp định có ý nghĩa rất lớn, có sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam so với các FTA thế hệ mới khác. Theo đánh giá của Bộ Công thương, các cam kết của Hiệp định, các đối tác tham gia CPTPP dành cho Việt Nam mức độ mở cửa thị trường khá cao ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Xét trên mặt bằng chung, khoảng từ 78-95% số dòng thuế của Biểu thuế quan sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi CPTPP có hiệu lực. Một số ít mặt hàng còn lại có mức độ “nhạy cảm” cao với các nước sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm...
CPTPP thực thi, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử và linh kiện điện tử, cao su sẽ được hưởng ngay mức thuế 0% khi đặt chân sang các thị trường thuộc CPTPP. Đây thực sự là cơ hội lớn cho các ngành xuất khẩu Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định mạnh mẽ rằng: Đây chắc chắn sẽ là một cú hích cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức được ký kết ngày 30/6/2019
Hai Hiệp định này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Các Hiệp định này cũng sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của EU với khu vực Đông Nam Á, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và EU nhằm hướng tới quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn giữa hai khu vực.
EVFTA xoá bỏ 99% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU. Điều này sẽ xoá bỏ tệ quan liêu mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối diện. Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ các hiệp định này
Gạo ST25 của Việt Nam là gạo ngon nhất thế giới
Tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới tổ chức tại Philippines diễn ra hồi tháng 11/2019, gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới”. Như vậy, sau hàng chục năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, gạo Việt lần đầu tiên đã có thể định vị được tên tuổi của mình trên bản đồ thế giới, khẳng định vị thế, chất lượng của hạt gạo Việt Nam. Sự kiện này đã làm thay đổi cách nhìn của thế giới với sản phẩm gạo của chúng ta. Theo giới chuyên gia kinh tế, sự kiện này không chỉ góp phần nâng uy tín của gạo Việt trên trường quốc tế mà còn là động lực để các địa phương, DN và nông dân đầu tư vào sản xuất gạo chất lượng cao, từ đây hướng đến phát triển ngành gạo bền vững.
Gạo Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Năm 2019, xuất khẩu đạt mức kỷ lục và là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu
Với mức xuất siêu cao kỷ lục trên 9,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục ghi những dấu ấn về xuất khẩu trong nhiều năm trở lại đây. Theo thống kê của cơ quan Hải quan, trước năm 2012, Viêt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu, song từ năm đó đến nay, cán cân thương mại bắt đầu đổi chiều, thặng dư thương mại gia tăng. Các nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may… Có được kết quả này là nhờ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, tạo điều kiện để cộng đồng DN nâng sức cạnh tranh, vươn lên trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chất lượng.
Cú bắt tay lịch sử giữa Vinmart với Tập đoàn Massan - phép cộng đẹp giữa các doanh nghiệp bán lẻ nội
Cú bắt tay giữa hai DN này được đánh giá là sẽ tạo ra một sự cộng hưởng liên kết giữa các DN nội với nhau, cho thấy sự đoàn kết giữa các DN Việt.
Trong bối cảnh các DN Việt đang yếu thế nhiều mặt, sự liên kết hợp tác tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa các DN Việt là điều cần thiết. Thương vụ Vinmart - Massan được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho các DN Việt, đồng thời Việt Nam sẽ có thêm những tập đoàn phân phối mạnh để xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ trong tương lai, có thể tự tin vươn ra thị trường thế giới.
Thành tựu kinh tế đạt được trong năm 2019 là rất to lớn, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những khó khăn phải nỗ lực giải quyết.
Đó là dịch tả lợn châu Phi hoành hành từ tháng 2/2019 càn quét tất cả 63 tỉnh thành. “Bão dịch” khiến tổng đàn lợn của cả nước thiệt hại khoảng 6 triệu con, giảm 22% tổng đàn. Đáng chú ý, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung lợn sụt giảm nặng, đẩy giá thịt lợn tăng phi mã. Càng về cuối năm, cận Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt lợn càng tăng cao khiến giá thịt lợn không có dấu hiệu chững lại. Để “hạ nhiệt” giá và bình ổn nguồn cung, nhà quản lý đã phải nhập khẩu thịt lợn, kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu lợn chui qua biên giới.
Tuy nhiên, việc tái đàn sau dịch vẫn là một thách thức, trong khi những cảnh báo về dịch bệnh chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn.
Cùng đó, tình trạng gian lận xuất xứ tại một số thương hiệu lớn khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Năm 2019 nổi lên vấn đề gian lận xuất xứ, giả nhãn mác của một số thương hiệu lớn. Cụ thể, Asanzo và Seven.AM là hai thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, chỉ vì hành vi “bóc mác” để thay thế, giả mạo bằng nhãn hiệu “made in Vietnam”, hai thương hiệu lớn này đã bị người tiêu dùng quay lưng. Trước đó, Khaisilk - một tên tuổi lớn trong ngành thời trang cũng đã sụp đổ thương hiệu vì hành vi này.
Điều đó thêm một lần nữa cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại cần phải sớm được loại bỏ. Vì rằng, trong quá trình hội nhập sâu rộng, chất lượng sản phẩm, sự minh bạch của sản phẩm chính là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp.