Tại hội thảo “Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” được tổ chức mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đều cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cần sớm xây dựng thương hiệu chung cho cà phê, hồ tiêu để tăng giá trị gia tăng.
Thu hoạch cà phê
Trên thực tế, các tỉnh Tây Nguyên, gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, là vùng trọng điểm sản xuất càphê, hồ tiêu của cả nước - hai sản phẩm chủ lực đã tạo dựng được danh tiếng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tuy khá nổi tiếng về chất lượng và năng suất nhưng do mới được xuất khẩu chủ yếu ở dạng hạt thô và chưa có thương hiệu nên giá trị gia tăng còn thấp.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, Tây Nguyên chỉ mới có chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Chứng nhận này cũng chỉ mới cấp cho hạt càphê chứ không phải cho chung càphê chế biến.
Hiện nay, Tây Nguyên có trên 573.400ha cà phê, chiếm trên 89% diện tích càphê của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt từ 1,2 đến trên 1,3 triệu tấn càphê nhân, chiếm trên 90% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Hồ tiêu có diện tích trên 43.955ha, chiếm gần 52% diện tích của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt từ 80.000 tấn trở lên, chiếm gần 55% sản lượng tiêu xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, đa phần các nông hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu còn thực hành theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật, quản trị cơ sở sản xuất, kiến thức thị trường, nên năng lực hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Theo tiến sỹ Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong các năm tới, cùng với việc sớm xây dựng thương hiệu chung cho cà phê, hồ tiêu vùng Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại sản xuất,… nhằm mục tiêu đưa ngành hàng cà phê, hồ tiêu xuất khẩu tập trung quy mô lớn, hiện đại, có tính cạnh tranh quốc tế cao.