Theo một nghiên cứu mới, các dòng sông và suối ở Alaska (Mỹ) đang thay đổi màu sắc, từ màu xanh trong suốt sang màu cam rỉ sét.
Phát hiện này đã khiến các nhà nghiên cứu từ Cục Công viên quốc gia, Đại học California ở Davis và Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ kinh ngạc sau khi tiến hành thử nghiệm tại 75 địa điểm trên tuyến đường thủy của dãy Brooks ở Alaska.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications: Earth & Environment, các con sông và suối trong phạm vi này dường như rỉ sét, trở nên đục và có màu cam trong vòng 5 đến 10 năm qua. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, sự đổi màu này là do các kim loại như sắt, kẽm, đồng, niken và chì gây ra. Một số trong đó gây độc cho hệ sinh thái sông suối khi lớp băng vĩnh cửu tan ra và làm lộ các tuyến đường thủy với các khoáng chất bị khóa hàng nghìn năm dưới lòng đất.
“Chúng tôi đã từng thấy điều này ở các vùng của California và một phần của Appalachia, nơi có lịch sử khai thác mỏ. Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy điều này xảy ra ở một nơi hoang dã xa xôi nhất và cách xa nguồn khai thác mỏ” - ông Brett Poulin, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu cho biết, đất tự nhiên ở Bắc Cực khóa carbon hữu cơ, chất dinh dưỡng và kim loại trong lớp băng vĩnh cửu của chúng. Nhiệt độ cao đã khiến các khoáng chất này và các nguồn nước xung quanh lộ ra khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn 4 lần so với phần còn lại của thế giới.
Sự đổi màu này có liên quan đến sự “suy giảm nghiêm trọng” đời sống thủy sinh, làm dấy lên mối lo ngại rằng, việc lớp băng vĩnh cửu tiếp tục tan chảy sẽ ảnh hưởng ra sao đến các cộng đồng sống dựa vào các tuyến đường thủy này.
Alaska không phải là bang duy nhất gặp phải hiện tượng này. Một nghiên cứu khác được công bố cách đây 1 tháng đã trình bày chi tiết về việc dãy núi Rocky của bang Colorado đang chứng kiến những tác động tương tự khi khí hậu ấm lên.
Các nhà nghiên cứu ở Alaska sẽ tiếp tục nghiên cứu trong những năm tới để xác định vị trí của các nguồn kim loại và khoáng sản cũng như mức độ ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh và con người.