Sự thuận tiện, giá cả phù hợp, thậm chí có thể nợ được nhờ mối quan hệ quen biết… đó là những yếu tố khiến cho các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có đất sống, thậm chí sống khỏe trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, các cửa hàng tạp hóa truyền thống muốn phát triển thì không chỉ dừng ở những lợi thế đó.
Thuận tiện, phù hợp và thân thiện
Dọc một đoạn đường dài chỉ khoảng 300 mét của con phố nhỏ Chính Kinh (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mà có tới 5-7 cửa hàng tạp hóa bán đủ các thứ tiêu dùng thiết yếu. Mặc dù ở đầu con phố này cũng có một siêu thị tiện lợi Vinmart và một siêu thị quy mô vừa mang tên Đức Thành, tuy nhiên, các cửa hàng tạp hóa truyền thống ở đây vẫn “sống khỏe”.
Chị Trần Thùy Linh, chủ cửa hàng tạp hóa ở số 30 Chính Kinh cho biết, cửa hàng của chị bán đầy đủ các sản phẩm tiêu dùng, từ chiếc bàn chải đánh răng, bánh xà phòng, các loại dầu ăn cho đến các loại thực phẩm thiết yếu khác.
“Mặc dù cách cửa hàng của tôi không xa là siêu thị Vinmart nhưng hàng hóa ở đây vẫn bán chạy, chủ yếu là người quen, hàng xóm mua các đồ thiếu yếu hàng ngày. Chẳng ngày nào ế khách cả”, chị Thùy Linh nói và cho biết thêm: “Có khách hàng mua bia, đồ uống hàng ngày rồi nợ đến cuối tháng mới thanh toán cả thể. Với họ, đấy có lẽ là lợi thế khi mua hàng ở cửa hàng tạp hóa truyền thống”.
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, sự xuất hiện của các loại hình bán lẻ hiện đại dường như khiến cho các cửa hàng kinh doanh tạp hóa truyền thống trở nên lu mờ. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thị trường lại cho thấy, các cửa hàng tạp hóa lại không hề lép vế. Ngược lại, có phần phát triển mạnh hơn.
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thời gian gần đây, sự xuất hiện của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi như VinMart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile... ngày càng dày hơn, nhiều siêu thị đã tìm đến từng ngõ ngách, len lỏi vào mọi khu dân cư. Song với những đặc điểm văn hóa rất riêng của mình, các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn đang thu hút được đông đảo người tiêu dùng.
Cũng cần bắt nhịp xu hướng hiện đại
Mặc dù nhà ở ngay cạnh một cửa hàng tiện lợi, song bà Nguyễn Thị Huấn (phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đi sang cửa hàng tạp hóa ở cách nhà khoảng 200 m để mua hàng.
“Tôi quen mua hàng ở đây rồi, vừa mua hàng vừa tranh thủ “buôn chuyện” một lúc – bà Huấn nói. Trong khi đó, theo bà Huấn, đi vào cửa hàng tiện lợi bên cạnh, chỉ chọn hàng, chờ thanh toán rồi về, ít có sự giao lưu giữa người mua và người bán nên không thấy hào hứng.
Một số liệu khảo sát của Nielsel cũng cho hay, có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ. Bên cạnh đó còn có cả sự tương tác giữa người mua và người bán, thậm chí nhiều chủ tạp hóa dễ tính còn cho khách nợ. Điều này hoàn toàn không có ở các kênh bán lẻ hiện đại.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), gần 30 năm liên tục phát triển, song đến thời điểm hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được khoảng 25% - 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ. Điều này cho thấy, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt, đây là loại hình kinh doanh dường như bất chấp quy luật phát triển của thị trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các kênh bán hàng tạp hóa truyền thống cũng cần phải có sự cải tiến, chuyển mình cùng thời cuộc để không bị bật khỏi guồng quay của thị trường.
Xu hướng bán hàng, phân phối đã dịch chuyển mạnh mẽ đòi hỏi những mô hình truyền thống như tạp hóa cũng phải thay đổi cơ bản. Theo đó, cửa hàng tạp hóa không chỉ bán lẻ từ vài ngàn đồng mỗi món hàng, mà cần nâng cấp làm đầu mối bán buôn những mặt hàng thiết yếu... của những nhà sản xuất lớn cho khu vực dân cư tại chỗ.
“Các cửa hàng bán lẻ truyền thống cần kết hợp cả những yếu tố truyền thống và tiếp cận xu hướng hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong thời đại mới. Theo đó, việc sử dụng thanh toán điện tử, bán hàng online là những xu hướng cần cập nhật để có thể phục vụ nhanh nhất những khách hàng bận rộn”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.