Các khoản bổ sung có được tính đóng bảo hiểm xã hội?

Khanh Lê 20/04/2023 06:38

Qua thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) tại một số đơn vị sử dụng lao động, BHXH Việt Nam phát hiện ngoài mức lương tính đóng BHXH, BHTN, BHYT thì hàng tháng người lao động được hưởng khoản bổ sung gọi là “khoản bổ sung kế hoạch” (đơn vị không tính đóng BHXH, BHTN, BHYT).

Rất khó có thể bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội từ các khoản thu nhập bổ sung.

BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xin ý kiến đối với khoản bổ sung khi tính đóng BHXH, BHTN, BHYT. Theo đó, qua thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT tại một số đơn vị sử dụng lao động, BHXH Việt Nam phát hiện ngoài mức lương tính đóng BHXH, BHTN, BHYT thì hàng tháng người lao động được hưởng khoản bổ sung gọi là “khoản bổ sung kế hoạch” (đơn vị không tính đóng BHXH, BHTN, BHYT) được xác định như sau:

Khoản bổ sung = lương bổ sung kế hoạch X hệ số Khq - Hệ số Khq là hệ số hiệu quả thực hiện công việc được xếp loại, đánh giá theo quy chế làm việc, có mức cao nhất và thấp nhất (ở mức hoàn thành công việc, Khq = 1). Trong đó: Lương bổ sung kế hoạch được thỏa thuận với người lao động và ghi tại các tài liệu khi tuyển dụng (ví dụ như “Thư mời làm việc” hoặc “Đề nghị ký hợp đồng lần đầu”) nhưng không ghi vào hợp đồng lao động.

BHXH Việt Nam đưa ra trường hợp, một người lao động được thỏa thuận tại Thư mời làm việc với mức lương tháng kế hoạch là 22.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng lao động chỉ ghi theo chức danh công việc là 4.750.000 đồng và đóng BHXH, BHTN, BHYT theo mức này. Đối với khoản bổ sung 17.250.000 đồng không ghi vào hợp đồng lao động nhưng hàng tháng người lao động được hưởng trên cơ sở đánh giá, xếp loại hệ sống Khq.

Như vậy, đối chiếu với quy định tại điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ LĐTB&XH thì khoản bổ sung này có tính chất thường xuyên hàng tháng, được xác định trước với người lao động ở mức tối thiểu và được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Tuy vậy, đơn vị sử dụng lao động lại không ghi cụ thể khoản bổ sung này cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Để có cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐTB&XH cho ý kiến đối với khoản bổ sung mà đơn vị gọi là “khoản bổ sung kế hoạch” nêu trên có là khoản bổ sung phải tính đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định không? BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐTB&XH có hướng dẫn để làm cơ sở tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.

Trước đó, thông tin về quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường cho biết, Luật BHXH năm 2014 quy định lộ trình từ năm 2018 người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, tiền lương ở khu vực doanh nghiệp (DN) từng bước được cải thiện song mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động. Đáng chú ý, tại một số DN vẫn còn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung khác để không đóng BHXH cho người lao động. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động; đặc biệt, mức lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.

Hiện nay tổng tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc cho cơ quan bảo hiểm là 32%, trong đó người lao động đóng 10,5%, người sử dụng lao động đóng 21,5%. Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH bắt buộc được tính dựa trên tỷ lệ đóng và mức tiền lương tháng tính đóng BHXH. Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiền lương tháng BHXH như sau: Tiền lương đóng BHXH = Mức lương theo công việc + Phụ cấp bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động + Khoản bổ sung xác định cụ thể, được trả thường xuyên trong kỳ trả lương.

Trong đó, mức lương theo công việc, chức danh phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu. Còn phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác do các bên thỏa thuận, có thể có hoặc không.

Tiền lương đóng BHXH = Mức lương theo công việc + Phụ cấp bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động + Khoản bổ sung xác định cụ thể, được trả thường xuyên trong kỳ trả lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các khoản bổ sung có được tính đóng bảo hiểm xã hội?