Ngày 30/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) tổ chức tập huấn Thực thi Nghị quyết số 19 (Nghị quyết 19/ NQ- CP) về cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương.
Tập huấn nhằm giới thiệu các nội dung cơ bản của hai NQ số 19; các nhiệm vụ, giải pháp đối với địa phương và hướng dẫn đề xuất cách thức xây dựng kế hoạch hành động và triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Đình Cung Viện trưởng CIEM cho rằng, dù Nghị Quyết 19 được chỉ đạo khai rất quyết liệt từ Chính phủ nhưng khi xuống phía dưới “lạnh” dần.
Một số chỉ tiêu cơ bản trong nghị quyết trực tiếp liên quan đến các bộ ngành nhưng các Bộ không coi trọng. Thậm chí khi chúng tôi hỏi thì một số Bộ còn đẩy ra xa. Tôi thấy có vẻ như các bộ vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của cải cách các nhóm quy định pháp luật này tác động đến môi trường kinh doanh. Một số bộ thậm chí còn ban hành quy định trái nội dung, quy định, thẩm quyền tạo thêm rào cản cho DN.
Được ban hành ngày 12/3/2015, Nghị quyết 19 đã đưa các chỉ tiêu khá cụ thể, chẳng hạn năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh sẽ đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN 6, trong đó thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 171 giờ; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định.
Bước sang năm 2016, các yêu cầu của nghị quyết thậm chí còn cao hơn nhiều, theo đó các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu, như khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; thời gian cấp phép xây dựng theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới tối đa không quá 77 ngày (hiện nay là 114 ngày); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày); tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.