Ngày 22/5 trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc học sinh ở Hải Phòng bị đứng ở cổng trường giữa trưa nắng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, cần phải có những giải pháp để những vụ việc tương tự không xảy ra, bởi đây không phải là vụ việc đầu tiên tại Hải Phòng.
Theo đó, ông Nam đề xuất cần bổ sung môn học về quyền trẻ em, cập nhập kiến thức kỹ năng thực hành quyền trẻ em cho giáo viên trong nhà trường.
Theo ông Nam, từ vụ việc học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Quang Trung, Hải Phòng phải đứng ở cổng trường giữa trưa nắng cho thấy giáo viên đã vi phạm 2 nguyên tắc cơ bản trong quyền trẻ em đó là nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho trẻ em. “Việc giáo viên nhắc nhở học sinh đi học sớm, để học sinh đứng nắng ngoài cổng trường… vi phạm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, một nguyên tắc xuyên suốt của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em”, ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Nam, nhà trường và giáo viên cũng đã vi phạm nguyên tắc tôn trọng trẻ em. Dù là học sinh còn ít tuổi nhưng các em cũng là con người, đều phải được tôn trọng như nhau.
Thực tế trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra thực trạng giáo viên áp dụng những hình phạt vi phạm quyền trẻ em. Theo ông Đặng Hoa Nam, vụ việc xảy ra ở Hải Phòng đã cho thấy xã hội quan tâm và lên án kịp thời những hành vi vi phạm quyền trẻ em, các địa phương cũng xử lý vụ việc rất nhanh. Tuy nhiên, về lâu dài, giáo viên đã đứng trên bục giảng thì phải hiểu về quyền của trẻ em, trách nhiệm này thuộc về Bộ GDĐT.
“Giáo viên là người thực hiện quyền trẻ em trong trường học, được đi học được tiếp thu các tri thức, dạy chữ, dạy người. Kỹ năng thực hiện quyền trẻ em phải ngấm vào trong từng giáo viên thì hành xử mới đúng được. Kiến thức học trong các trường sư phạm chưa đủ, trong thời buổi bây giờ, giáo viên cần phải hiểu về quyền trẻ em, dạy trẻ em và ứng xử với trẻ em theo đúng quyền, đúng bổn phận của mình. Vì vậy, cần phải cập nhật kiến thức kỹ năng thực hành quyền trẻ em vào trong nhà trường cho giáo viên”, ông Nam nói.