Hiện nay xu hướng đưa tác phẩm văn học lên sân khấu đang có những thử nghiệm mang tính đột phá, táo bạo. Nó giúp tác phẩm có một diện mạo khác, mới mẻ, hiện đại, dễ tiếp cận với công chúng đương đại và đặc biệt là khán giả trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề cần cân nhắc...
Chất liệu đặc biệt
Thông thường, những tác phẩm văn học hay, nổi tiếng, kinh điển... luôn có sức hấp dẫn lớn với đông đảo công chúng do nội dung dày dặn, giàu tính nhân văn, có những ý nghĩa sâu sắc, đáp ứng được nhu cầu nhận thức (mở rộng không gian, thời gian sống cho người thưởng thức) nâng cao thẩm mỹ (nhận thức Chân - Thiện - Mỹ) để rồi giúp người đọc định hướng được những giá trị tâm hồn đích thực... Trong những tác phẩm văn học mang tính kinh điển đó, không thể thiếu sự hấp dẫn của kịch tính qua những xung đột lớn nhỏ, mở ra thế giới nội tâm rất phong phú của con người. Vì thế, các nhân vật trong thế giới do văn học tạo ra đã có chỗ đứng trong nhận thức chung của xã hội, là “tiêu chuẩn” đánh giá về con người đương thời.
Xuất phát từ mong muốn đổi mới cho sân khấu, những hình thức sân khấu như nhạc kịch, kịch hình thể, kịch múa, kịch xiếc... cũng đã dần được những nghệ sĩ trẻ Việt Nam “nhập khẩu” rồi dần Việt hóa cho phù hợp với tâm lý thưởng thức và trở thành món ăn tinh thần của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Khởi nguồn có lẽ là hình thức kịch hình thể với sự mạnh dạn của NSND Lan Hương, tiến tới thành lập hẳn đoàn kịch thử nghiệm trong Nhà hát Tuổi trẻ, từng có Nguyễn Du với Kiều trên sân khấu kịch hình thể. NSND Lan Hương đã đưa thêm vào Kiều hai nhân vật là Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương để dẫn chuyện theo cách kịch trong kịch và cũng sử dụng ngâm thơ, hát chèo, hát xẩm, ca Huế, ca vọng cổ để chuyển tải thơ Nguyễn Du một cách nhuần nhị, theo hành trình lưu lạc của nàng Kiều. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kịch hình thể không thể tiếp tục phát triển tốt, đoàn kịch hình thể cũng gần như không còn.
Người yêu sân khấu cũng rất yêu thích hình thức nhạc kịch được du nhập những năm đầu thế kỷ XXI. Năm 2016, đạo diễn Khắc Duy đã đầu tư để sáng tạo vở nhạc kịch “Tấm Cám”, tạo được dấu ấn, thu hút được sự chú ý của dư luận, người trong nghề và công chúng trẻ nhờ vào sự công phu về kịch bản, dàn dựng, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh ánh sáng, phục trang... Cùng năm, vở nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương” chuyển thể từ truyện cổ tích Từ Thức du tiên được đầu tư kinh phí tốt, có sự tham gia trình diễn của nhiều ca sĩ, diễn viên trẻ.
Thiên về phần thị giác hơn là những phiên bản kịch múa, ballet mà đóng góp lớn trong đó là của những nghệ sĩ còn rất trẻ, dám đối đầu, sáng tạo ra những tác phẩm hoàn toàn mới, đem lại hiệu ứng hết sức tích cực đối với giới trẻ. Từ lâu, truyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài đã nằm trong chương trình văn học phổ thông được nhiều thế hệ người Việt yêu thích.
Đưa Mỵ lên sàn diễn kịch múa, tổng đạo diễn Tuyết Minh đã đưa tới một tác phẩm như bức tranh tuyệt diệu, đầy ắp cảm xúc để ca ngợi sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do cháy bỏng của bà con dân tộc Tây Bắc. Ngoài những sáng tạo lớn về động tác, tuyến tính múa, điểm nhấn của vở chính là âm nhạc với những âm thanh sống động vốn thân quen trong đời sống bà con người Mông như đàn tính, đàn môi, tiếng khèn… thậm chí cả những công cụ như dao, thớt. Tiến thêm bước nữa, vở ballet “Kiều” cũng của nghệ sĩ Tuyết Minh đầu tư sáng tạo, mới được trình diễn tại hai địa điểm là Nhà hát TP HCM và Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thận trọng trong chuyển thể
Như vậy, từ những cốt truyện rất truyền thống, rất dân tộc… các nghệ sĩ đã đem tới những đời sống mới cho tác phẩm văn học. Những hình thức mới mẻ, hiện đại, tiết tấu gọn, nhanh, kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật đã đem lại những bữa tiệc đầy xúc cảm cho tai và mắt nên nhanh chóng được người xem yêu thích.
Tuy nhiên, mạnh dạn để sáng tạo là cần thiết, nhưng vẫn cần có những thận trọng, những lưu ý đối với các đạo diễn, người chuyển thể. Do dung lượng của loại hình nghệ thuật biểu diễn, nên tất yếu đều phải làm công việc lựa chọn tình tiết, hành động, nhân vật để đưa lên sàn diễn. Nhiều nét tinh túy của tác phẩm văn hóa - nghệ thuật ngôn từ độc đáo, thu hút, khi chuyển thể bắt buộc phải cắt bỏ, liệu còn giữ được hồn cốt của tác phẩm văn học, liệu có làm biến dạng nhận thức của người thưởng thức về tác phẩm nguồn?
Hay đặt trong bối cảnh các tác phẩm văn học chưa được phổ biến rộng rãi, những thông điệp chuyển tải qua các thể loại sân khấu như kịch hình thể, ballet liệu có “tải” đúng những ý tưởng lớn của tác phẩm gốc? Chưa kể, vì là chuyển thể, làm mới, không tránh khỏi việc cắt xén, lồng ghép chưa tốt. Nhất là, nếu ê-kíp lại hướng tới phục vụ khán giả có khuynh hướng thích cười, dễ làm dung tục hóa, thô thiển hóa, biến thể, mất mát những giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng của tác phẩm văn học gốc. Một số phân đoạn nhạy cảm được đánh giá là nghệ thuật nếu được thưởng thức thông qua văn bản ngôn từ, nhưng rất có thể, khi được tái hiện bằng động tác hình thể lại trở nên phản cảm, đánh mất giá trị cần có của tác phẩm văn học.
Nhưng rõ ràng, phần tích cực vẫn là rất lớn bởi qua ngôn ngữ nghệ thuật của các loại hình sân khấu hiện đại, cùng đạo cụ, mỹ thuật, ánh sáng… đặc biệt là âm nhạc, các thế hệ nghệ sĩ mới đã tạo dựng được những tác phẩm nghệ thuật mới lộng lẫy, hiện đại, giúp tác phẩm có đời sống nghệ thuật mới, giúp người xem hôm nay, đặc biệt đối tượng khán giả trẻ đã thấy hứng thú hơn. Từ đó, những tác phẩm văn học có thêm những sự kiếm tìm của công chúng trẻ, nối dài thêm con đường phổ biến tới công chúng. Vì thế, rất cần có thêm những vở diễn được sáng tạo trên những tác phẩm văn học có giá trị, “xương thịt hóa” những nhân vật vốn chỉ tồn tại trong mường tượng của người đọc.