Lợi dụng tâm lý của người lao động mong sớm được đi xuất cảnh, ở nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Trong khi đó theo quy định, chương trình này, các doanh nghiệp không được cấp phép đưa người lao động (NLĐ) đi.
Cụ thể, thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Các đối tượng môi giới chào mời, quảng bá có thể đưa NLĐ sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc với visa C4 và E8 theo thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc.
Theo đó, các đối tượng môi giới cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa NLĐ sang Hàn Quốc theo Chương trình này để thu tiền bất chính của NLĐ. Đối với NLĐ ở địa phương chưa có Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, đối tượng môi giới cũng hứa hẹn làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến địa phương đã có Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để thu thêm tiền từ NLĐ.
“Chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc được thực hiện theo Thỏa thuận ký giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc. Do vậy, chỉ NLĐ của địa phương có ký Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc mới được tham gia Chương trình”- Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định.
Trước tình trạng trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có cảnh báo tình trạng lừa đảo đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Theo đó, đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố ký Thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc về Chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ là: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Hà Nam và Cà Mau.
Tại những địa phương triển khai Chương trình này, sở LĐTB&XH là cơ quan quản lý thực hiện và trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở LĐTB&XH trực tiếp tuyển chọn, hoàn thiện hồ sơ và phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
“Để tránh bị lừa đảo, NLĐ cần tìm hiểu rõ thông tin và chỉ đăng ký tham gia Chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là sở LĐTB&XH và trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở LĐTB&XH” - ông Phạm Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.
Trước đó, hồi tháng 12/2021, Bộ Tư pháp Hàn Quốc có thông báo dự kiến áp dụng một số quy định liên quan đến lao động thời vụ như: mở rộng phạm vi đối với người nước ngoài được tham gia lao động thời vụ tạm thời; mở rộng các chế độ ưu tiên đối với lao động thời vụ trung thành như đảm bảo cơ hội tái nhập cảnh.
Đối với lao động thời vụ visa E-8 làm việc trung thành trong thời hạn 5 năm thì có thể được phép chuyển sang visa lao động kỹ sư chuyên ngành (E-7-5) để được phép làm việc ổn định tại địa phương.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng áp dụng bắt buộc quy định về tiền ký quỹ đối với lao động thời vụ khi hai địa phương ký Biên bản Thỏa thuận hợp tác; tăng cường xử phạt và hạn chế việc tuyển dụng lao động nước ngoài đối với chủ sử dụng lao động có sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45.058 lao động (15.177 nữ), chỉ đạt 50,06% kế hoạch được giao năm 2021 (90.000 lao động). Riêng thị trường Hàn Quốc đưa được 1.036 lao động.