Xuất hiện quanh năm nhưng bệnh thủy đậu thường rộ lên trước tết âm lịch một tháng và kéo dài sau tết vài tháng. Và mới đây nhất, những ngày cuối tháng 12/2016, 31 công nhân Công ty TNHH Gunze Việt Nam có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh này.
Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM vừa làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Gunze Việt Nam đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh về việc 31 công nhân của công ty có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh thủy đậu.
Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố, đơn vị này đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng quận 7 điều tra dịch tễ và đã xác định có ít nhất 20 công nhân mắc bệnh thủy đậu, 11 trường hợp còn lại chưa xác định tình trạng bệnh.
Toàn bộ diện tích nhà xưởng đã được phun hóa chất Clorunmin B. Trung tâm Y tế Dự phòng quận 7 cũng đã tổ chức hướng dẫn nhân viên y tế của công ty thực hiện biện pháp vệ sinh diệt khuẩn môi trường mỗi ngày; hướng dẫn lãnh đạo Công ty cho công nhân mắc bệnh được nghỉ làm và chỉ đi làm trở lại khi có giấy xác nhận hết bệnh của bác sỹ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện công nhân đang làm việc có biểu hiện mệt mỏi, sốt, công ty nên cho nghỉ làm, cách ly nhằm tránh bệnh lây lan.
Trước đó, tại Công ty TNHH Gunze Việt Nam ghi nhận 31 trường hợp nghi mắc thủy đậu với các triệu chứng nổi bóng nước trên da, sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn…
Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn...). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đáng lưu ý là khi nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, đa số trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều tự khỏi nhưng vẫn có một số trường hợp gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em. Biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não...
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, hiện bệnh thủy đậu đang vào mùa dịch, do vậy việc xuất hiện ổ bệnh và lây lan rộng trong môi trường tập thể là điều bình thường. Thông thường, trẻ em mắc thủy đậu phổ biến hơn, tuy nhiên người lớn cũng có khả năng mắc bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo cả người lớn và trẻ em chưa mắc thủy đậu nên đến Trung tâm y tế dự phòng tiêm vắcxin để giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh này. Hiện tại, vắc-xin phòng bệnh thủy đậu đã có tại trung tâm y tế dự phòng, các địa điểm tiêm chủng. Theo các chuyên gia y tế, loại vắc-xin này hầu như không có tác hại phụ; khoảng 5% sốt nhẹ sau khi tiêm, có tác dụng miễn dịch lâu dài.