Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam, trong những năm gần đây, dịch bệnh do virus viêm gan A đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo vẫn rải rác xảy ra một số trường hợp mắc bệnh.
Đối với viêm gan virut A, chủ yếu là đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
Trong những tháng đầu năm 2017, tại Lào đã ghi nhận đợt dịch bệnh viêm gan virus A. Tính đến ngày 18-7 đã ghi nhận ít nhất 1.247 trường hợp mắc. Trước sự bùng phát dịch viêm gan virus tại Lào, nguy cơ dịch có thể lây truyền sang các khu vực thôn bản vùng biên giới và sau đó lan sang các khu vực khác trong nước rất lớn.
Hiện nay, Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm gan virus A tại Lào và thường xuyên trao đổi thông tin với nước bạn để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp. Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân, đặc biệt là những cộng đồng dân cư khu vực biên giới giáp với Lào quan tâm hơn đến vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm. Người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, không để chất thải bừa bãi ra môi trường. Các gia đình nên đưa trẻ trên 2 tuổi đi tiêm phòng vắcxin viêm gan A tại các cơ sở y tế..
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh viêm gan virus A là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus viêm gan A gây nên.
Bệnh dễ lây truyền qua đường tiêu hóa do uống nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm virus, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Ở người bị bệnh viêm gan A, virus có nhiều trong mồ hôi, nước bọt, nước tiểu và nhiều nhất là trong phân. Nếu một người nhiễm virut A làm công việc nấu ăn hay phục vụ trong nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể thì khả năng họ làm lây lan bệnh là rất cao.
Trong vùng lũ lụt, các đầm lầy, ao tù, nước đọng là nơi tồn tại của virut viêm gan A, chúng xâm nhập vào tôm, cua, sò ốc... Nếu chúng ta bắt tôm, cua, ốc để làm thức ăn mà không được nấu chín kỹ sẽ bị nhiễm virut viêm gan A.
Biểu hiện đầu tiên của viêm gan A là mệt mỏi. Khi đó gan hoạt động kém hơn các chất độc có hại được giữ lại trong cơ thể làm cho toàn thân có cảm giác mệt mỏi, khó chịu trong người. Tiếp đến là rối loạn tiêu hóa. Gan cũng tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn nên khi nhiễm virus viêm gan A thì chức năng này giảm đi, khi đó sẽ xuất hiện các dấu hiệu bệnh đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, đau bụng nhẹ ở vùng bên phải xương sườn, tiêu chảy, táo bón…
Biểu hiện ngoài da. Chất độc giữ lại trong gan sẽ phát ra ngoài thông qua các biểu hiện ngứa da, mụn nhọt. Trong một dấu hiệu khác là lượng albumin tăng cao trong gan sẽ làm cho da có màu vàng nhạt hoặc đậm tùy vào mức độ nghiêm trong của bệnh.
Ngoài ra, lượng albumin cũng được đào thải qua thận nên khi quan sát thấy nước tiểu thường xuyên có màu vàng đậm thì nên cân nhắc kiểm tra ngay bệnh viêm gan để điều trị bệnh sớm. Một số người bị viêm gan loại A, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, có thể không có triệu chứng gì hoặc chỉ có bệnh giống như cúm.
Bệnh viêm gan virus A thường hồi phục hoàn toàn trong vòng 1 - 2 tháng điều trị. Hầu hết các trường hợp bị bệnh không gây tổn thương nghiêm trọng nào và không gây viêm gan mạn tính. Cho đến nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với viêm gan virus A, chủ yếu là đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và tránh tổn thương gan vĩnh viễn. Bệnh nhân nên ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn ba bữa chính để khắc phục chứng buồn nôn và nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.