Cạnh tranh thiếu lành mạnh: Các doanh nghiệp 'nhờn' luật?

Minh Phương 12/05/2017 08:35

Sau hơn 10 năm ban hành Luật Cạnh tranh, nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý được vỏn vẹn 8 vụ vi phạm Luật và thu về số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đây là con số quá khiêm tốn cho thấy, năng lực của cơ quan thực thi chưa đủ mạnh hoặc Luật Cạnh tranh bộc lộ nhiều khiếm khuyết khiến cho doanh nghiệp (DN) “nhờn” thuốc.

Các hãng taxi truyền thống đang bị đối thủ loại bằng phương thức cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Khi Uber và Grab ung dung loại đối thủ

Trong môi trường kinh doanh, nếu không có sự cạnh tranh bình đẳng chắc chắn thiệt thòi sẽ thuộc về DN chính nghĩa và kéo theo đó là những ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặc dù Luật Cạnh tranh đã ra đời hơn một thập kỷ qua, nhưng thực tế, số vụ việc bị xử lý không nhiều, điều này khiến dư luận lo ngại số DN vi phạm luật sẽ ngày càng gia tăng đẩy môi trường kinh doanh ngày càng trở nên thiếu minh bạch.

Số vụ việc mà cơ quan chức năng chỉ xử lý được trong 10 năm qua, cho thấy rõ ràng “có vấn đề” bất ổn chứ không phải các DN đều cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh. Điển hình là những va chạm giữa các hãng taxi truyền thống và các hãng taxi mới (Uber và Grab) kéo dài thời gian qua. Theo ông Đỗ Việt Thắng- Phó Giám đốc hãng taxi Thành Công Car, loại hình hoạt động của Garp và Uber tại Việt Nam hiện nay theo kiểu “đốt tiền” như đã và đang diễn ra liệu có phải đã vi phạm Luật Cạnh tranh hay không? Vị này cho rằng, thời gian gầy đây, dư luận bàn nhiều về vấn đề bất bình đằng giữa câu chuyện logo, số lượng xe hoạt động, việc gắn mui xe và xe của Uber, Grap không có đường nào bị cấm như xe taxi… nhưng mấu chốt vấn đề là ở mô hình hoạt động của các hãng Uber, Grap so với các hãng taxi truyền thống là không ổn.

Phân tích cụ thể cho nhận định này, ông Thắng cho hay, các hãng Uber và Grab huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư của nước ngoài, sau đó chiếm thị trường bằng cách “đốt tiền” để kéo hết khách hàng về phía họ. Họ đốt tiền như nào? Đầu tiên, họ đưa ra các chương trình khuyến mại rất khủng. Các chương trình như đi 3 chuyến đầu giảm 30.000 đồng/chuyến hoặc giảm 50% giá cước. Hay giảm giá 50% vào các buổi sáng, giảm 30.000 đồng cho 3 chuyến kế tiếp nếu giới thiệu được thêm 1 người sử dụng dịch vụ của họ…

Đương nhiên, với những hình thức khuyến mại khủng như vậy sẽ lôi kéo được nhiều khách hàng. “Và khi họ đã “hạ gục” được các đối thủ là taxi truyền thống rồi thì các đợt khuyến mãi sẽ giảm dần và bắt đầu tăng giá cước. Khi taxi truyền thống chết hẳn thì chẳng còn ai cạnh tranh với họ, lúc đó lợi ích của người tiêu dùng mới bị thiệt thòi”- ông Thắng nhấn mạnh và đặt câu hỏi: “Vậy các dấu hiệu của Grap, Uber ở Việt Nam có vi phạm Luật Cạnh tranh? Các cơ quan quản lý có vào cuộc để làm rõ vấn đề này hay không?”.

Luật Cạnh tranh sửa đổi có cải thiện tình hình?

Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có rất nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng lại không được xử lý mà cuối cùng lại được điều chỉnh bằng các quy định hành chính khác. Có lẽ đây cũng là lý do vì sao có thực trạng giá xăng có thời điểm giảm liên tục theo giá thế giới song, giá xăng đến tay người tiêu dùng lại không hề giảm hoặc nếu có giảm cũng rất “nhỏ giọt”. Thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ tháng 7/2014 đến 1/2015, xăng dầu có 14 đợt điều chỉnh, tổng mức giảm 39% nhưng giá cước vận tải chỉ giảm từ 3 - 10%. Theo tính toán, giá xăng dầu chiếm từ 35 - 40% chi phí vận tải. Nếu giá xăng giảm 10% thì giá cước vận tải sẽ phải giảm 3,5 - 4%.

Tuy nhiên thực tế, từ tháng ngày 4/7/2015 đến ngày 4/9/2015, giá xăng dầu tiếp tục giảm 16 - 17% tương ứng với đó lẽ ra giá vận tải phải giảm 4 - 8% song cước taxi vẫn không thay đổi. Phải chăng, các DN không quan tâm rằng mình có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, hay do cơ quan quản lý không để tâm, mặc kệ cho DN “thực thi” hành động cạnh tranh không lành mạnh.

Hay câu chuyện về giá sữa cũng vậy, một thời gian rất dài giá sữa trên thị trường thế giới giảm nhưng giá sữa trong nước vẫn giữ nguyên. Báo chí vào cuộc trường kỳ nhưng vẫn không tác động được bao nhiêu. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng- Ban Pháp chế VCCI bày tỏ băn khoăn, dường như các DN Việt Nam nghĩ về cạnh tranh như một điều gì đó xa vời, không quan tâm, không e ngại, còn cơ quan quản lý lại khá bình chân, cuối cùng chỉ người tiêu dùng và các DN chân chính chịu thiệt.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), từ khi Luật Cạnh tranh ra đời năm 2005 đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức điều tra 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm Luật, hạn chế trong cạnh tranh, trong đó, chuyển 5 hồ sơ vụ việc sang Hội đồng cạnh tranh để xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng. Bộ Công thương đang xây dựng Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi, dư luận đặt câu hỏi: Luật Cạnh tranh sửa đổi có bảo vệ được tốt hơn người dân và các DN chân chính trước các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh hay sẽ vẫn tiếp tục “mờ nhạt” như một thập kỷ qua?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạnh tranh thiếu lành mạnh: Các doanh nghiệp 'nhờn' luật?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO