Chuyện “chặt chém” khách như một vết chàm mà ngành du lịch phải hứng chịu. Mặc dù cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp siết chặt, song trên thực tế nạn “chặt chém” vẫn tồn tại ở nhiều địa phương.
Du khách nước ngoài đến Việt Nam. Ảnh: Hồ Hạ.
Nạn “chặt chém” ám ảnh du khách
Đầu năm 2019, dư luận dậy sóng vì hóa đơn thanh toán một bữa ăn tại một nhà hàng ở Nha Trang Khánh Hòa đội lên gần chục triệu đồng chỉ với vài món đơn giản. Như món trứng tráng mà bị đội giá lên 500 ngàn đồng/ đĩa, cơm trắng bị “chém đẹp” với giá 200 ngàn đồng/phần… Mới đây nhất, dư luận phẫn nộ khi biết một người đạp xích lô ở TPHCM đã “chém” một khách du lịch Nhật Bản lên đến 2,9 triệu đồng, trong khi cuốc xích lô chỉ chừng mươi phút.
Vấn nạn “chặt chém” du khách đã trở thành nỗi ám ảnh khách du lịch. Nhiều khách du lịch phát hoảng khi bỗng dưng nhận được một tấm ảnh chụp mình như từ trên trời rơi xuống, rồi bị ép phải trả tiền. Một cốc nước mía, một trái dừa giá bị đẩy lên gấp 4,5 lần giá trị thực. Và thật sự rất đáng xấu hổ khi một lái xe taxi sử dụng tiền âm phủ trả lại cho khách nước ngoài...
Những sự việc nói trên chỉ là những sự vụ đơn lẻ từ một số cá nhân có kiểu làm ăn chộp giật, song phần nào cũng cho thấy sự méo mó, cách thức kinh doanh kiểu “ăn xổi” tồn tại lâu nay, ảnh hưởng đến ngành du lịch nước nhà.
Một việc nữa cũng cần phải nói, đó là trong xu hướng hội nhập, tất cả các ngành kinh tế đều mở cửa. Ngành du lịch lại càng là một ngành cần phải giao thương mạnh mẽ với các đối tác nước ngoài. Thế nhưng nhiều người tham gia vào ngành công nghiệp không khói này là “dân tay ngang”, không được đào tạo chuyên ngành, từ đó không có kỹ năng cũng như không được trang bị kiến thức cần có của người làm du lịch…. Nguyên tắc của kinh doanh là phải xây dựng thương hiệu và chữ tín, đối với ngành du lịch, dịch vụ điều này càng cần thiết hơn. Bởi thương hiệu không chỉ tạo ra uy tín cho bản thân mỗi cá thể, mỗi DN du lịch đơn lẻ mà sẽ là diện mạo cho cả ngành. Ở đây, có thể nói, vẫn còn không ít hướng dẫn viên du lịch móc ngoặc với chủ các cửa hàng để ăn chia phần trăm, khi đưa khách vào mua hàng. Điều đó thực sự tai hại cho sự phát triển bền vững của du lịch.
Chăm chút từ yếu tố nhỏ nhất
Nói về thương hiệu dịch vụ, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho các cá nhân, DN kinh doanh trong lĩnh vực này phải rất kì công, có thể phải 5-10 năm mới tạo dựng được thương hiệu của mình, tuy nhiên chỉ một sự việc xấu làm mất niềm tin của khách thì công sức phấn đấu nhiều năm sẽ sứt mẻ một cách nhanh chóng.
Theo ông Phú, du lịch và dịch vụ du lịch sẽ ngày càng phát triển cùng với xu hướng hội nhập ngày càng mạnh mẽ. Năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu khách du lịch quốc tế và mấy chục triệu khách du lịch nội địa, nhưng thống kê cho biết số du khách quốc tế quay lại nước ta du lịch lần 2 với một tỷ lệ rất khiêm tốn. Nhìn sang các nước phát triển và khu vực Đông Nam Á cho ta thấy họ bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình từ những cái nhỏ nhất như: Cách trả tiền lẻ, tiền thừa cho khách, cách bao gói hàng hóa, những lời cảm ơn thân thiện khi đến và khi đi. Những lúc cao điểm đông khách, những hiện tượng tăng giá vô lý đều được kiểm soát một cách chặt chẽ, ít có những đột biến để khách hàng phải âu lo, phân vân và có những ấn tượng không tốt trong thời gian lưu trú mua sắm và hưởng thụ dịch vụ ở một địa phương nào đó.
Cần nói thêm rằng, một số nước có ngành du lịch phát triển bền vững và hiệu quả, là do họ đã áp dụng một nền kinh tế chia sẻ hợp tác, giữa các ngành có liên quan đến việc đón tiếp, phục vụ mua sắm, thụ hưởng dịch vụ. Một tấm vé máy bay của hãng hàng không với mức giá rẻ không có nghĩa hãng hàng không đó chỉ thụ hưởng trị giá của tấm vé đó mà lợi nhuận của các siêu thị, khách sạn, nhà hàng ăn uống... kết toán từng thời gian được san sẻ hợp lý cho hãng hàng không giá rẻ đó. Việc làm này vừa khôn ngoan, vừa nhân văn, và đồng thời nâng cao sức thu hút khách du lịch.
Chăm chút xây dựng thương hiệu từ những yếu tố nhỏ nhất, đó là việc mà ngành du lịch cần phải lưu ý để Việt Nam sẽ luôn là điểm đến của du khách nước ngoài. Nếu vẫn còn “chặt chém”, chộp giật thì dù cá biệt đi chăng nữa cũng có thể kìm hãm sự phát triển của cả một ngành công nghiệp là du lịch.