Cục Thể dục thể thao đã cho dừng công tác huấn luyện đối với 4 huấn luyện viên Đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia, sau khi kiểm tra xác minh tố cáo của vận động viên Phạm Như Phương. Cô là gương mặt sáng giá trong làng thể dục dụng cụ nữ Việt Nam, từng giành Huy chương Vàng Olympic trẻ 2018. Tại SEA Games 31 (năm 2021), cô giành 2 Huy chương Bạc ở nội dung đồng đội và xà lệch; 2 Huy chương Đồng nội dung cầu thăng bằng và tự do.
Rất trẻ, Phạm Như Phương sinh năm 2003, đã giành nhiều giải cao trong thi đấu quốc tế, phía trước là tương lai rộng mở. Nhưng rồi cô bất ngờ bị gạch tên trong đợt tập trung đầu năm 2024 vì vắng mặt không phép. Sau đó, Như Phương đã làm đơn xin giải nghệ đồng thời tố cáo phải nộp 10% tiền thưởng cho huấn luyện viên (HLV) khi đoạt huy chương; từ 30% đến 50% tiền thưởng nóng và đóng quỹ nằm ngoài quy định hàng tháng.
Bên cạnh đó, những tiêu cực khác cũng bị tố cáo, cụ thể là việc chấm công các ngày chủ nhật, nghỉ lễ khi vận động viên (VĐV), HLV vẫn được chấm công dù không tham gia tập luyện. Khoản "ngày công chủ nhật" vẫn được thanh toán cho các VĐV: họ nhận 50% và 50% còn lại thì HLV.
Sai phạm chấm công có liên quan tới hơn 40 VĐV và HLV, với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
Điều rất đáng nói là sau khi VĐV Phạm Như Phương tố cáo và được báo chí phản ánh, thì Cục Thể dục thể thao cho biết đã trực tiếp làm việc với Phòng Thể thao thành tích cao 1, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Ban huấn luyện Đội tuyển Thể dục dụng cụ. Theo đó, căn cứ vào hồ sơ quy trình, vào thời điểm giữa tháng 1/2024, Cục Thể dục thể thao nhận thấy chuyên viên phụ trách bộ môn và Phòng Thể thao thành tích cao 1 đã chấp hành đúng quy trình thủ tục. Đồng thời khẳng định không có chủ trương thu “phế” tiền thưởng huy chương hay bất kỳ khoản tiền nào làm quỹ của VĐV.
Nhưng hóa ra sự việc không phải vậy. Tới nay, sai phạm bước đầu đã được làm rõ và 4 HLV đã phải dừng công tác, từ 1/3. Việc này cho thấy thái độ bao che trước đó của những đơn vị liên quan trực tiếp. Những tưởng số đông có quyền đã nhất trí thì VĐV mới 21 tuổi là cô gái Phạm Như Phương sẽ phải bó tay. Nhưng sự thật vẫn là sự thật và những sai phạm dù có được bưng bít thì cuối cùng cũng “lộ sáng”.
Những năm qua, thể thao đỉnh cao của đất nước đã gặt hái được nhiều thành tích. Nhất là thể thao nữ, với những tấm huy chương có được từ những tháng năm tập luyện gian khổ, họ chính là những cô gái vàng của Việt Nam. Vào đội tuyển, họ phải tập trung cao độ để tập luyện, không chỉ đổ mồ hôi mà nhiều người còn bị thương tích. Cuộc đời thi đấu đỉnh cao của họ cũng không dài, cũng có nghĩa là sự đóng góp, hy sinh của họ cho thể thao nước nhà là rất lớn.
Để có được một VĐV xứng tầm, ngoài sự nỗ lực, năng khiếu của chính bản thân VĐV thì còn là sự đầu tư, chăm chút của ngành thể thao, của đất nước. Và cũng vì thế, không ai được quyền xâm phạm vào chế độ ưu tiên cho VĐV. Đáng tiếc là vẫn có chuyện bữa ăn của VĐV bị rút bớt. Chuyện “cắt phế” - hay nói thẳng ra là ăn chặn cùng những khuất tất khác vẫn còn. Qua những vụ việc đã bị phát hiện thời gian qua cho thấy, việc làm tệ hại ấy có ở nhiều bộ môn, từ bóng đá cho tới xe đạp, thể dục dụng cụ...
Theo Nghị định 152/2018 của Chính phủ, HLV trực tiếp đào tạo VĐV lập thành tích tại các đại hội sẽ được hưởng tiền thưởng tương ứng theo quy định như sau: HLV trực tiếp đào tạo VĐV lập thành tích trong các giải thi đấu thể thao quốc tế có nội dung thi đấu cá nhân thì được hưởng mức thưởng chung bằng mức thưởng đối với VĐV. Đồng thời, tỉ lệ phân chia tiền thưởng đối với các HLV được thực hiện theo nguyên tắc: HLV trực tiếp huấn luyện đội tuyển được hưởng 60%; HLV trực tiếp đào tạo VĐV ở cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được hưởng 40%.
Như vậy, thiết nghĩ, quyền lợi của HLV cũng không thua kém gì so với VĐV.
HLV là thầy, VĐV là trò - những học trò rất đặc biệt. Những HLV gương mẫu, thương yêu VĐV cần phải được biểu dương, nêu gương. Ngược lại, những HLV không có phẩm chất của người làm thầy khi “ăn chia”, “ăn chặn” quyền lợi của VĐV cũng cần phải được xử lý nghiêm. Chỉ có như vậy, thể thao đỉnh cao của nước nhà mới thực sự tiến về phía trước một cách chắc khỏe.