Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục: Để đi học là niềm vui

MINH DUY 12/11/2023 08:33

Những năm qua, vấn nạn dạy thêm, học thêm chưa bao giờ hết nóng. Đây là gánh nặng của học sinh và gia đình có con em đang ở độ tuổi đến trường tạo nhiều bất bình trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm, và các hình thức liên kết giáo dục không cần thiết để giảm tải bớt thời gian học của các em học sinh. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, vừa không làm phát sinh các vấn đề xã hội.            

Ảnh: Quang Vinh.

Khó cấm, vì sao?

Trong những ngày cận kề 20/11, vẫn xảy ra những câu chuyện buồn trong giáo dục liên quan tới dạy thêm, học thêm. Như câu chuyện của nữ sinh N. 14 tuổi, Trường THCS Lê Lợi (huyện Ea H'leo, Đắk Lắk). Em N. kể sau khi nghỉ học thêm, em thường xuyên bị cô A. la mắng trong lớp học. Có lần trong giờ học môn Toán, cô A. yêu cầu N. đứng lên, rồi khom lưng viết bài mà không được ngồi. Thậm chí, cô A. còn mắng N. là đồ không có não khiến em luôn lo sợ mỗi khi đến tiết dạy của cô. Về sau, thấy con ngày càng gầy ốm, sụt hơn 10 kg, mẹ N. dẫn con tới khám tâm lý ở TPHCM. Tại đây, em N. đã kể lại việc bị cô giáo xúc phạm và sau đó vụ việc đã được mẹ em phản ánh lên Phòng GDĐT huyện Ea H'leo.

Đánh giá về tình trạng dạy thêm, học thêm đang gây phản ứng trong dư luận, báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, do Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền ký, cho rằng nguyên nhân là thu nhập thấp khiến một bộ phận giáo viên phải dạy thêm. Bên cạnh đó là tác động của những mặt trái cơ chế thị trường trong quá trình tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, xử lý bất cập của hoạt động này chưa kịp thời, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội chưa vào cuộc quyết liệt nên hiệu quả quản lý không cao, thậm chí còn tình trạng bệnh thành tích từ phía gia đình nên ép con em đi học.

Nhiều ý kiến cho đây là một hình thức "bắt nạt học đường", nó không đến từ bạn bè, mà đến từ giáo viên. Nhà trường nên mạnh tay xử lý những giáo viên này để thanh lọc môi trường học đường. Việc trù dập học sinh là một trong những mặt trái của dạy thêm, bởi thời gian qua đã có không ít trường hợp học sinh không đăng ký học thêm đã bị thầy cô có những ứng xử khác biệt. Thế nhưng đến nhà thầy cô học thêm thì rất nhiều học sinh cũng chẳng khá hơn do cách học nhồi nhét, học theo phong trào. Bởi vậy, rất mong mỗi giáo viên hãy phát huy tâm đức truyền đạo đức, kiến thức cho các em.

Dù vậy, mỗi ngày vấn nạn dạy thêm vẫn đang diễn ra và biến tướng với nhiều hình thức. Hậu quả là những lịch học kín mít vẫn là “hành trình” mỗi ngày của nhiều học sinh và phụ huynh. Anh Tiến Hiệp (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con trai đang học lớp 9 kể, cả nhà quay cuồng với lịch học của con. Mỗi tuần, ngoài giờ lên lớp 2 buổi/ngày, con học thêm 3 buổi Văn, 2 buổi Toán, 4 buổi tiếng Anh. Cứ học trên lớp về là lại chuẩn bị đi học thêm. Các buổi tối trong tuần đều kín lịch, thứ bảy, chủ nhật là ngày nghỉ nhưng lại càng bận vì các giáo viên tranh thủ tận dụng thời gian không phải học chính khóa.

Chị Trần Thanh Hảo có con đang học lớp 9 (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bày tỏ: Cuộc cạnh tranh vào lớp 10 ở các quận nội thành Hải Phòng cũng rất quyết liệt nên không thể lơ là. Biết con rất mệt nhưng trượt công lập thì khổ hơn nhiều nên tôi vẫn phải động viên con cố gắng. Chỉ có điều bố cháu lại phản đối gay gắt việc cho con học quá tải nên nhiều khi không khí gia đình lại nặng nề do chuyện học thêm của con.

Phía quản lý, vấn nạn dạy thêm, học thêm bị Bộ GDĐT “tuýt còi” nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra phổ biến ở các trường, trên cả nước, biến tướng dưới nhiều hình thức khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Nhiều địa phương đã mạnh tay yêu cầu các trường, giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.

Mặt khác, áp lực thi cử nặng nề, nên vấn nạn dạy thêm học thêm vẫn khó cấm. Thầy Đinh Đức Hiền - Trưởng khối Phổ thông (Trường Phổ thông liên cấp FPT) nêu quan điểm: Nếu học thêm xuất phát từ nhu cầu học sinh, gia đình sẽ không xấu; cái xấu, gây bất bình đối với phụ huynh hiện nay là dạy thêm trong nhà trường và phụ huynh phải “tự nguyện bắt buộc”. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc học tập, thi cử hiện nay vẫn nặng nề, có tính cạnh tranh cao. Điều này biểu hiện rõ nhất trong kỳ thi vượt cấp lên lớp 10 THPT, thi tuyển trường THCS chất lượng cao.

Đáng chú ý, các mô hình dạy liên kết trong trường học đã cho thấy nhiều bất cập. Không ít ý kiến cho rằng, việc nhà trường tổ chức dạy thêm, dạy liên kết cũng với danh nghĩa “tự nguyện bắt buộc” nhằm mục đích trục lợi. Thầy Phạm Văn Công - Trường tiểu học và THCS Minh Khai (huyện Hưng Hà, Thái Bình) băn khoăn: Đã có trường nào dám thử khi cho phụ huynh đăng ký cho con tham gia các tiết liên kết bằng cách bỏ phiếu kín (không cho giáo viên và nhà trường biết con mình tham gia hay không) chưa? Chỉ có bằng cách này mới thấy được uy tín của mô hình liên kết trong các trường hiện nay. Vậy có nên tồn tại các mô hình dạy liên kết trong các trường công lập hiện nay? “Tôi cho rằng không nên tồn tại các mô hình dạy liên kết trong các trường công lập”, thầy Công nói.

Bên cạnh đó, một thầy giáo tại Hà Nội lại cho rằng mô hình này là cần thiết, với điều kiện, nhu cầu của các nhà trường, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và tiến bộ. Nhưng về lâu dài, cần bỏ hẳn dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tránh học chính, học thêm lẫn lộn, để nhà trường làm tốt nhất vai trò của mình, hạn chế các tiêu cực, đúng với tiêu chí “đi học là hạnh phúc”.

Giảm tải dạy thêm, học thêm

Thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được quan tâm rộng rãi. Bộ GDĐT cũng như Sở GDĐT của các địa phương đã thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vấn đề dạy thêm học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn, không có nhiều chuyển biến. Mới đây, UBND TP Hà Tĩnh ban hành văn bản về việc tổ chức phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm". Văn bản yêu cầu phòng GDĐT, các trường học trên địa bàn, UBND các xã phường... thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm. Theo nội dung văn bản, đối với nhà trường dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh. Việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyên cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường (nếu phụ huynh có đề nghị bằng văn bản).

Anh Lê Đức Thắng - phụ huynh có con học lớp 4 ở TP Hà Tĩnh rất đồng tình với việc phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm". Anh chia sẻ, trước đây con học cả tuần, tâm lý con căng thẳng nên gia đình rất thương cháu. Dù vậy thấy các bạn trong lớp đi học mà con mình ở nhà thì lại lo con hổng kiến thức. Vì thế, việc tổ chức phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" là rất hợp lý.

Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GDĐT TP Hà Tĩnh thông tin đang tích cực vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Thực tế ngày chủ nhật phải để các em học sinh tham gia các hoạt động thể thao, có thời gian nghỉ ngơi gần gũi bên gia đình. Các giáo viên họ cũng thấy thoải mái, không bị áp lực. Đây cũng là vấn đề để xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc. Mục đích là góp phần giảm áp lực, căng thẳng trong học tập, đảm bảo sự hài hòa, khoa học trong bố trí thời gian học tập, vui chơi, giải trí giúp các em học sinh có cơ hội để phát triển tự nhiên, lành mạnh về thể chất, tinh thần, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Với động thái tích cực của tỉnh Hà Tĩnh, nhiều phụ huynh vui mừng bày tỏ, hãy trả tuổi thơ về cho các em, đừng đem con cái mình ra để phục vụ cho các mục đích của người lớn. Trong đó, nhà trường mong có nhiều thành tích, một số giáo viên tìm kiếm thêm thu nhập, không ít phụ huynh áp lực lên con cái phải học giỏi để "nở mày nở mặt, thậm chí tưởng tượng con mình học thêm thật nhiều để trở thành "thần đồng", "thiên tài". Hãy dành thời gian cho con cái chúng ta vui chơi, giải trí, đến với thiên nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn. Các em phải được học tập và rèn luyện những kỹ năng cần thiết để phát triển thể chất, tinh thần và ứng phó được với những bất trắc, bất thường trong cuộc sống.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục cũng cho rằng không khó để quán triệt tình trạng này, nếu Bộ GDĐT quyết liệt hơn trong công tác quản lý, xử lý nghiêm người đứng đầu nếu xảy ra vi phạm. "Dù đó là trường công hay trường tư, miễn là các quy định của Bộ có các chế tài xử phạt và có hệ thống thanh tra giáo dục làm việc hiệu quả thì chắc chắn không thể có những hành vi sai trái hết sức ngang nhiên như vậy diễn ra" - TS Vũ Thu Hương đề xuất.

Đáng lưu tâm, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, muốn hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm, đầu tiên phụ huynh phải thay đổi nhận thức, không gây quá nhiều áp lực học tập lên con cái. Thứ hai là chương trình giáo dục phổ thông mới phải thật sự giảm tải, giảm áp lực thi cử, thành tích vì nếu kiến thức vẫn nặng nề, phụ huynh sẽ buộc phải cho con đi học thêm.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hà Nội: Tìm giải pháp căn cơ dẹp dạy thêm, học thêm

Trên thực tế, từ trước đến nay đã có rất nhiều văn bản, tốn nhiều giấy mực nhưng vẫn không thể dẹp bỏ nạn dạy thêm, học thêm vì xuất phát nhu cầu từ hai phía: phụ huynh và giáo viên. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta cứ vẫn theo kiểu cũ, toàn nhồi nhét kiến thức, không để trẻ phát huy khả năng tiềm ẩn một cách tự nhiên. Cần giáo dục làm sao để trẻ thấy được học là niềm vui, chứ đừng để trẻ sợ học. Không phải giáo viên nào cũng muốn dạy thêm. Nhưng thực tế là thu nhập từ nghề giáo quá thấp so với đời sống hiện nay. Bên cạnh đó, chương trình học nặng, kéo theo bệnh thành tích, chạy theo điểm số là những vấn đề cần bàn luận và tìm ra giải pháp căn cơ.

Cũng có một thực tế, giáo viên dạy kiến thức trong trường thì rất ít, trong khi đi dạy thêm thì rất đầy đủ, điều này làm giảm đi lòng tin của các phụ huynh đối với giáo dục. Trong khi đó, giáo dục rất cần sự tin tưởng của người dân.

Vì vậy, theo tôi biện pháp để giải quyết vấn đề trên là nâng lương cho đội ngũ giáo viên, để họ có điều kiện kinh tế, lo cho gia đình và tập trung vào việc dạy ở trường lớp. Tôi cũng đề nghị loại bỏ hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm, để tập trung vào việc dạy tại trường đầy đủ kiến thức cho học sinh. Hiện nay, tình trạng lạm thu, lạm chi trong nhiều trường cũng khiến phụ huynh rất bức xúc, tôi đề nghị các cơ quan quản lý cần phải xử lý việc này nghiêm khắc. Bởi lẽ, tình trạng này sẽ dễ dẫn đến sự coi thường đối với giáo viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên: Học thêm chỉ để học thì thực sự là một vấn đề

Hầu hết chúng ta nhận thấy học sinh cả ở thành thị và nông thôn đều học thêm rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên tách việc học thêm và chi phí học thêm ra. Không phải chi nhiều tiền cho giáo dục thì học được nhiều hay chi ít tiền thì học không hiệu quả. Vấn đề chi phí cần được quản lý một cách khoa học. Khi càng ít nguồn lực thì càng nên học cách chi tiêu thông thái để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tôi cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ nên học thêm hay không mà là nên học thêm cái gì. Chẳng hạn với các em học sinh ở trường công lập, trường học thiếu cái gì thì nên học cái đấy. Nhưng thông thường tôi cũng khuyên phụ huynh hạn chế cho con học thêm các nội dung chính khóa mà hướng tới việc trau dồi các lĩnh vực khác để học sinh được trải nghiệm giáo dục toàn diện hơn. Ví dụ ở trường chưa có đủ thời gian cho các hoạt động về thể thao, thể chất, văn nghệ, câu lạc bộ nói chung... thì theo tôi rất nên học thêm. Nhưng nếu học thêm theo hướng học lại chương trình phổ thông trên lớp thì chúng ta cần hết sức thận trọng. Bởi vì điều này thường chỉ dành cho các em có sức học "đuối" so với bạn bè. Tôi không tin phần lớn các em học sinh đều không đáp ứng chương trình phổ thông của Việt Nam. Cho nên nếu đại đa số các em đi học thêm chỉ để học lại như vậy thì thực sự là một vấn đề.

Theo tôi, trẻ em Việt Nam cần học thêm nhiều thứ thuộc về kỹ năng, đam mê, sở thích, các hoạt động thể chất, văn nghệ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục: Để đi học là niềm vui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO