Dù đã có nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra bởi bạo lực gia đình, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ nhưng vấn nạn bạo lực gia đình vẫn nan giải. Thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, trung bình mỗi năm xảy ra gần 32.000 vụ bạo lực gia đình. Đáng nói là chưa tới 1/3 nạn nhân chia sẻ với người thân, bạn bè và chỉ có rất ít người thông báo với chính quyền địa phương và tổ hòa giải.
Không chịu được sự vũ phu của người chồng, chị N.T.N ở Hà Nội đã phải cầu cứu và đến lánh lạn tại Ngôi nhà Bình Yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Khi đến lánh nạn tại Ngôi nhà Bình Yên, ngoài 2 đứa con nhỏ và toàn thân bầm tím vì di chứng bởi những trận đòn, chị N. không mang theo bất cứ thứ gì. Mọi giấy tờ tùy thân của chị đã bị người chồng giữ, hơn 10 năm lấy chồng là bấy nhiêu năm chị phải sống trong bạo lực, vũ phu của người chồng.
Những con số đắng lòng
“Chị N. chỉ là một trong số hàng nghìn người phụ nữ khi tìm đến Ngôi nhà Bình yên. Người ta thường nói giông bão ở bên ngoài cánh cửa, nhưng với nhiều phụ nữ, trẻ em, giông bão ở ngay chính trong ngôi nhà của mình. Có nạn nhân khi bị chồng phát hiện đến Ngôi nhà Bình yên đã bị chồng “truy sát” tận nơi, chúng tôi đã phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân”- bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc trung tâm chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, dịch Covid-19 với những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống, các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) trên cơ sở bất bình đẳng giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Số cuộc gọi báo cáo về BLGĐ tăng lên khoảng 20%; số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên, nhà tạm lánh đã tăng 80% so cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ phụ nữ bị bạo hành, trẻ em cũng là đối tượng của nạn BLGĐ hiện nay. Thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng. Nhưng trong năm ngoái, năm mà nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 cuộc mỗi tháng. Một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi.
Theo các nhà hoạt động xã hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ. Do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ bị chê cười. Nạn nhân thường có tâm lý ngại “vạch áo cho người xem lưng”... Điểm yếu vẫn là do khâu thực thi các quy định pháp luật.
Các cấp, các ngành chưa phối hợp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này. Cộng đồng, đoàn thể thiếu quan tâm, đôi khi coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hậu quả đã nghiêm trọng. Cùng với đó, chế tài chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, chưa hợp lý, thiên về hòa giải...
Có cơ chế bảo vệ người bị bạo hành
Nhìn nhận về vấn đề BLGĐ, nhất là bạo lực giới, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, bạo lực giới đang là vấn đề đáng báo động hiện nay. Nhất là khi có tới 62,9% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời. Tuy nhiên, có tới 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực, và 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng hay đơn vị cung cấp dịch vụ.
“Nếu xem xét những thiệt hại hữu hình (chi phí trực tiếp và chi phí do bỏ lỡ công việc) và những thiệt hại vô hình (mất năng suất lao động), thì tổng thiệt hại của nền kinh tế lên tới 1,8% GDP, tương đương 100.000 tỉ đồng. Những con số trên đặt ra cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm về các giải pháp, cách thức, hành động, nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới” - bà Hà chia sẻ.
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2238/QĐ-TTg. Theo đó, đặt mục tiêu phấn đấu 100% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình.
Bên cạnh đó, phấn đấu 100% các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở; 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.
Để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, tiếng nói, hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị.
“Người bị bạo lực cần phải được bảo vệ để sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày; còn người gây bạo lực cần được xử lý một cách nghiêm minh. Đó là cách thức để chúng ta ngăn chặn bạo lực, xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ, văn minh. Để làm được điều này việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân đóng vai trò rất quan trọng” - bà Hà nhấn mạnh.
Dưới góc độ của lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Hoàng Thị Hoa cho rằng, Việt Nam đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Nghị quyết về phòng chống xâm hại trẻ em nhưng tình trạng BLGĐ vẫn chưa chấm dứt...
Vì vậy, để góp phần ngăn chặn, xử lý nghiêm BLGĐ, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là rất cần thiết. Một mặt bảo đảm quyền con người đã được hiến định; mặt khác bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Còn theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), việc tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn. Khi chứng kiến các vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ, những người chứng kiến đừng im lặng, mà hãy chủ động lên tiếng.
Không may phải sống trong môi trường bạo lực, dù đó là bố, mẹ, trẻ em cũng nên tìm đến sự trợ giúp. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và nhiều kênh thông tin khác luôn có người trực để tiếp nhận thông tin và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho mọi trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
BÀ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng: Trách nhiệm của cộng đồng là phải lên tiếng
Bạo lực gia đình có thể phòng ngừa nếu chúng ta có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc triển khai mô hình truyền thông điểm nhằm nâng cao nhận thức là nhân tố rất quan trọng. Bởi thực tế cho thấy, nhiều vụ việc bạo lực gia đình xảy ra gây bức xúc dư luận, chúng ta đã lên án nhưng sau một thời gian những vụ tương tự vẫn xảy ra.
Nguyên nhân do chúng ta vẫn còn nặng tư tưởng “việc nhà đóng cửa bảo nhau” nên cam chịu, không tố cáo hành vi bạo lực gia đình, làm cho vấn nạn này càng gia tăng.
Việc im lặng, chịu đựng không chỉ đem đến hậu quả về mặt thể xác mà còn để lại hệ quả nặng nề về mặt tinh thần cho cả người bị bạo hành và người thân của họ như con cái, cha mẹ.
Bạo lực có thể trở thành thói quen nếu không được ngăn chặn từ sớm. Với những vụ án đau lòng xảy ra như chúng ta đã chứng kiến, mọi “giá như” đều là quá muộn màng. Trách nhiệm của cộng đồng là phải lên tiếng thay vì cầu nguyện khi sự việc đã rồi.
Do đó, cần phải nâng cao nhận thức cho người dân, cùng với đó, phụ nữ cần nhận thức đầy đủ kiến thức về bạo lực trước khi chính mình trở thành nạn nhân. Khi chúng ta có sự chuẩn bị tốt, biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, người thân, các tổ chức tin cậy,... thì khả năng tự bảo vệ bản thân sẽ cao hơn.
Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành (được thực thi hơn 13 năm qua) đã phát sinh một số bất cập. Trong đó, có nhiều khái niệm chưa được làm rõ, chưa nhận diện đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình khiến nhận thức về bạo lực gia đình khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân.
Thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp. Chưa có các quy định cụ thể trong nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình...
Do đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khắc phục những tồn tại, bất cập kể trên tập trung vào ba nội dung chính: các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội công tác này.
Xã hội kỳ vọng, Luật sửa đổi sẽ góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.