Trong khi rất nhiều NCC thực sự rất khó khăn để được hưởng chính sách của Nhà nước thì tình trạng làm hồ sơ giả là NCC để trục lợi chính sách xảy ra trên nhiều tỉnh, thành của cả nước.
Muôn kiểu trục lợi
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, đến nay Bộ và các địa phương đã phát hiện, đình chỉ thực hiện chính sách 6.510 trường hợp hưởng không đúng chính sách thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 - 2018 là 66.014 hồ sơ.
Đến nay, Bộ trưởng đã quyết định đình chỉ 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng như khai man, giả mạo, hồ sơ không đầy đủ...; kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã kiểm tra 34.954 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại 7 tỉnh (Sơn La, Bình Dương, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Bắc Giang và Khánh Hòa) phát hiện 8.609 hồ sơ có sai sót hoặc nghi vấn sai sót cần tiếp tục xác minh để xác định tính pháp lý của hồ sơ. Điều đáng nói là trong số những hồ sơ sai sót đều do Hội đồng giám định y khoa kết luận bệnh và xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể không đúng quy định, đối tượng hưởng chế độ trên cơ sở sinh con dị dạng, dị tật nhưng thực tế xác minh không có con dị dạng, dị tật, không có giấy tờ chứng minh hoặc giả mạo giấy tờ chứng minh thời gian tham gia tại vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam.
Theo kết quả thanh tra, rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC cho thấy, để có những bộ hồ sơ NCC giả, bắt đầu từ người khai không trung thực được “hợp thức hóa” bằng xác nhận của chính quyền địa phương, bằng những huân, huy chương “đi mượn”, giấy chứng nhận thương tật được “chạy mà có”,…
Báo cáo của Thanh tra Bộ LĐTB&XH cũng chỉ rõ, nhiều hồ sơ được lập nhờ giả mạo người làm chứng; tẩy sửa, ghi thêm nội dung vào giấy tờ gốc; tự chế ra con dấu giả đóng vào hồ sơ. Thậm chí nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, con dấu, giả chữ ký của địa phương này rồi mang đến địa phương kia gửi để xin hưởng chính sách nên không có trong danh sách hồ sơ lưu.
Cùng với nỗ lực của Bộ LĐTB&XH, các địa phương cùng các cơ quan chức năng khác như Tòa án cũng đã có nhiều giải pháp mạnh tay trước những hành vi trục lợi chính sách NCC để hưởng lợi. Theo thống kê, đến nay tòa án đã đưa ra xét xử 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, án treo 124 người. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về các chính sách người có công.
Hồ sơ giả trục lợi thật
Có thể thấy trong thời gian gần đây, Bộ LĐTB&XH cũng như các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt trong việc xử lý xong việc trục lợi chính sách vẫn chưa giảm. Đơn cử như mới đây, ngày 15/3/2019, qua kiểm tra bước đầu, Phòng LĐTB&XH thành phố Quảng Ngãi đã phát hiện trong danh sách 104 thương binh chuyển về nhận tiền chế độ tại xã, phường từ 1/7/2018, có 33 người ở 5 phường Trần Phú, Chánh Lộ, Nguyễn Nghiêm, Quảng Phú, Lê Hồng Phong (thành phố Quảng Ngãi) không có địa chỉ cụ thể và cũng không rõ họ công tác, làm việc tại cơ quan, đơn vị nào. Sau khi được các phường báo cáo lên, Phòng LĐTB&XH thành phố Quảng Ngãi rà soát, kiểm tra, phát hiện tất cả 33 trường hợp này, từ năm 2006 đến nay đều không liên hệ với Phòng LĐTB&XH thành phố để nhận tiền chế độ, tiền quà Tết, tiền điều dưỡng… mà do người khác ký nhận thay. Được biết thời điểm giữa năm 2014, số tiền chính sách phải chi trả cho 33 người này khoảng 64 triệu đồng/tháng và hiện nay là khoảng 75 triệu đồng/tháng. Hiện nay vụ việc đã được chuyển cho Công an tỉnh Quảng Ngãi điều tra, xử lý theo quy định. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hậu quả của sự giả dối này không chỉ nằm ở khoản tiền trợ cấp đã phải chi sai đối tượng mà còn làm mất đi sự công bằng xã hội, khiến những người/thân nhân NCC thực sự, người dân cảm thấy bất bình, giảm niềm tin.
Một trong vấn đề nổi cộm hiện nay trong việc thực hiện chính sách NCC đó là việc phát hiện hồ sơ giả đã khó nhưng việc truy thu số tiền bị trục lợi cũng muôn phần khó khăn. Là địa phương có tới 569 trường hợp thương binh giả, hưởng không đúng chế độ bị khui ra trong chiến dịch Thanh tra thực hiện chính sách NCC của Thanh tra Bộ LĐTB&XH, tuy nhiên tính đến cuối năm 2018, Nghệ An mới truy thu được 2,2 tỉ đồng trong tổng số 118 tỉ đồng bị trục lợi. Tại buổi họp báo về kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII 5/12/2018, đại diện Sở LĐTB&XH cho biết, số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai phải truy thu là hơn 118 tỉ đồng. Trung bình mỗi người đã nhận từ khoảng 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng trong hơn 10 năm qua. Song việc truy thu số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai rất khó khăn, bởi phần lớn các đối tượng đã già yếu, hoàn cảnh khó khăn hoặc qua đời. Hiện nay vẫn chưa có chế tài để xử lý những trường hợp không giao nộp lại tiền. Trong năm 2018 một vài tỉnh đã tiến hành truy thu được phần nhưng năm 2019 thì vẫn chưa tiến hành truy thu được thêm.
Bài cuối: Cần phát huy cơ chế dân chủ, dân giám sát