Những ngày này, truyền thông quốc tế và mạng xã hội “nóng bỏng” hiện tượng ChatGPT cùng đó là mối lo ngại các ứng dụng AI liệu có thể lấy đi rất nhiều việc làm của con người. Những tính năng ấn tượng của ChatGPT - ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đình đám đến nỗi tỷ phú Elon Musk - CEO công nghệ lừng danh, một trong những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng phải “lưỡng lự”.
Nên nhớ rằng, Musk từng là một thành viên sáng lập của OpenAI (tổ chức đứng sau ChatGPT) và hãng Tesla của ông cũng đang phát triển nhiều tính năng AI như robot và hệ thống tự lái. Tỷ phú công nghệ Elon Musk từng đánh giá rất cao sức mạnh và tiềm năng phát triển của AI, nhưng ông cũng lo lắng rằng AI sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người sống và làm việc khi rất có thể AI khiến mọi công việc đều trở nên vô nghĩa và thừa thãi.
Con người có mất việc “sau một đêm”?
Elon Musk còn bày tỏ lo ngại hơn kể từ khi xuất hiện những chatbot có tính năng cao, thực hiện được nhiều yêu cầu phức tạp. Như với ChatGPT, ứng dụng này đang được mệnh danh là "siêu chatbot" có thể trả lời hàng loạt câu hỏi khác nhau từ người dùng, thậm chí còn làm thơ, sáng tác nhạc rap, hay viết những bài luận… trong vòng 30 giây. Nó có được điều này nhờ vào việc tổng hợp thông tin và biên tập các văn bản mượt mà giống như người viết cao cấp.
Tiến sĩ Richard DeVere - chuyên gia về công nghệ tại hãng nghiên cứu Ultima đánh giá: "Tôi tin rằng các công cụ như ChatGPT có thể thay thế khoảng 20% lực lượng lao động hiện nay”. Trong khi đó, một số chuyên gia công nghệ thậm chí đưa ra con số từ 50-70% công việc sẽ bị thay thế bởi AI trong tương lai. Ngay cả giới lãnh đạo doanh nghiệp, như Jeff Maggioncalda - CEO hãng cung cấp khoa học trực tuyến nổi tiếng Coursera, cũng cho biết ông đang sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ về tư duy.
Mới đây nhất là việc trang tin Buzzfeed tuyên bố sẽ ứng dụng các tính năng AI được cung cấp bởi OpenAI - nhà phát triển của ChatGPT trong hoạt động biên tập và sản xuất nội dung. Đáng nói thông tin này là bước đi được đưa ra trong bối cảnh công ty truyền thông này vừa sa thải gần 80 nhân viên, chiếm khoảng 12% đội ngũ nhân sự.
Tiến sĩ Aljoscha Burchardt từ Trung tâm nghiên cứu AI của Đức bình luận: "Chúng ta đã làm việc với AI rất nhiều, mà không nhận ra đó là AI. Chẳng hạn như các công cụ dịch, tìm kiếm thông tin hay định hướng đường đi, rất nhiều tính năng nhỏ mà ta thường không để ý. ChatGPT có thể thay đổi bức tranh hiện nay".
Ở một góc nhìn khác, Geri Cupi, CEO của Twig - một startup về fintech tại Anh đang tích hợp ChatGPT vào các tính năng tương tác cho người dùng, đưa ra bình luận: "Tôi tin rằng những tiến bộ gần đây của AI sẽ có tác động tích cực đến tương lai của việc làm. AI sẽ hỗ trợ để nâng cao các điều kiện sống của con người nói chung, và giải phóng lực lượng lao động khỏi những công việc mang tính lặp đi lặp lại và tiêu tốn thời gian".
Còn chuyên gia công nghệ Richard DeVere nhấn mạnh: "Người làm trong những lĩnh vực sáng tạo không có gì để phải lo lắng, ngược lại họ có thể tận dụng sự phát triển của AI để củng cố và chuyên biệt hóa các kỹ năng nghề nghiệp của mình". Tương tự, nhà nghiên cứu Đức Aljoscha Burchardt chia sẻ: "Chẳng hạn các bác sĩ hay y tá có thể tiêu tốn tới 60% thời gian làm việc cho các công việc giấy tờ. Nếu những việc này được chuyển cho máy móc thì họ sẽ có thể chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân".
Việc AI thay thế con người trong nhiều lĩnh vực hoạt động như một điều đe dọa ghê gớm. Tuy nhiên, nhìn chung các chuyên gia tin rằng đây sẽ là một quá trình lâu dài, và con người vẫn có đủ thời gian để thích ứng. Ông DeVere bình luận: "Con người sẽ không mất việc chỉ sau một đêm. Nhưng làn sóng đầu tiên sẽ rơi vào những người có ít chuyên môn nhất, và những công việc đang được hỗ trợ thường xuyên bằng nhiều tính năng AI".
Câu trả lời sai, ai chịu trách nhiệm?
Việc mới đây OpenAI - công ty tạo ra chatbot AI ChatGPT cho ra mắt công cụ AI Text Classifier (trình phân loại văn bản AI) để xác định đoạn văn bản viết bởi AI hay con người, càng khiến cho vấn đề nóng hơn.
Giống như ChatGPT, AI Text Classifier cũng là một mô hình ngôn ngữ AI có sẵn trên trang web của OpenAI. Công cụ này được “huấn luyện” bởi các ngôn ngữ từ 34 hệ thống tạo văn bản của 5 công ty, tổ chức, bao gồm cả OpenAI. Những ngôn ngữ này được so sánh với các văn bản do con người viết trên Wikipedia, Reddit hay chính các yêu cầu từ người dùng đã nhập vào hệ thống ChatGPT.
Tuy nhiên, OpenAI cũng lưu ý rằng công cụ này có thể vô tình phân loại sai do “sự phổ biến về nội dung do AI tạo ra trên Internet”. AI Text Classifier cũng có thể hiểu sai văn bản do trẻ em viết hoặc các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh do bộ dữ liệu chuyển tiếp tiếng Anh chưa cập nhật đầy đủ. Công ty cho biết, có 9% văn bản được thử nghiệm công cụ này đã nhầm lẫn văn bản người viết thành AI viết.
Từ đó, nhiều chuyên gia công nghệ đã kêu gọi tạo ra những công cụ mang tính kiểm định, phân biệt văn bản do AI tạo ra nhằm giảm thiểu các tác hại tiềm tàng. Một số trường học tại Mỹ đã cấm sử dụng ChatGPT trong hệ thống vì lo ngại tính chính xác của nội dung chatbot này đưa ra cũng như gian lận trong thi cử.
Edward Tian (22 tuổi), sinh viên trường Đại học Princeton, người đã viết ra GPTZero, ứng dụng phát hiện nội dung văn bản được viết bằng chatbot ChatGPT, nói trên SCMP: “Có nhiều sự cường điệu và hào hứng xung quanh ChatGPT. Nhưng cũng như bất kỳ công nghệ mới nào, cần áp dụng nó một cách có trách nhiệm”. Ngoài ra, Tian còn cho biết: “Con người có xu hướng viết với nhiều biến thể trong câu, chẳng hạn câu dài, câu ngắn, giọng chủ động bên cạnh câu bị động. Trong khi đó, văn bản do AI viết có xu hướng đồng nhất, vì thế càng không nên quá lo ngại hay quá cường điệu tính năng “siêu phạm” của nó”.
Vậy, câu hỏi đặt ra là nếu AI trả kết quả sai lệch thì quy trách nhiệm cho ai?
Được công ty công nghệ OpenAI phát triển và ra mắt công chúng vào cuối tháng 11/2022, chỉ trong vòng 5 ngày, ChatGPT đã có hơn 1 triệu người dùng. Nó được coi là sẽ thay thế công cụ tìm kiếm hàng đầu hiện nay là Google. Theo tờ Business Insider, điều này đặt ra các câu hỏi về nguy cơ của hệ thống chatbot AI, cũng như về việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu sơ suất xảy ra.
Thứ nhất là thông tin sai lệch. Các chatbot chỉ chính xác và đáng tin cậy khi chúng được lập trình đúng và cung cấp những thông tin xác thực. Nếu một chatbot được lập trình những thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm, nó sẽ lan truyền thông tin sai lệch đó đến người dùng.
Để có thể trở nên "uyên bác", các chatbot phải được tích lũy một lượng dữ liệu khổng lồ. Bản thân ChatGPT được nạp vào 570 GB dữ liệu, chủ yếu lấy từ internet và phần lớn chưa qua kiểm chứng. Chính vì thế, các chatbot đã trả nhiều kết quả sai lệch cho người dùng. Ngoài ra, các dữ liệu được thu thập từ các nguồn đã cũ cũng có thể không giải quyết được các vấn đề mới phát sinh.
Thứ hai là lo ngại về quyền riêng tư. Các chatbot có thể thu thập và lưu trữ một lượng lớn thông tin cá nhân từ người dùng. Thông tin này có thể dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công hoặc xử lý sai dẫn đến bất lợi cho người sử dụng. Cũng không loại trừ khả năng chatbot được lập trình để thao túng và tác động đến người dùng, chẳng hạn như đưa thông tin sai lệch và điều hướng dư luận.
Thứ ba, chatbot không thể hiểu hoặc phản hồi các tín hiệu cảm xúc. Điều này có thể khiến chúng trở thành lựa chọn tồi cho một số hình thức tương tác, chẳng hạn như tư vấn khủng hoảng hoặc trị liệu.
Một mối nguy khác của chatbot là chúng không chịu trách nhiệm pháp lý hay đạo đức cho hành động của chúng. Điều này gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm khi xảy ra lỗi hoặc gây thiệt hại.
Theo chuyên gia Anantharaman Muralidharan thuộc Trung tâm Đạo đức y sinh Đại học Quốc gia Singapore, người dùng phải là người ra quyết định cuối cùng vì AI không đưa ra quyết định mà chỉ cung cấp khuyến nghị. Và quan trọng nhất là cần nhận thức được rằng trước pháp luật và các quy chuẩn đạo đức, các bên không thể quy trách nhiệm cho AI cũng như các chatbot.
Mặc dù tại Đại học Luật Minnesota (Mỹ) người ta đã cho ChatGPT làm một bài thi vốn dành cho sinh viên, gồm 95 câu trắc nghiệm và 12 câu tự luận. Công cụ này đã đạt điểm C+. Một thử nghiệm khác do Giáo sư Christian Terwiesch tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) tiến hành cho thấy chatbot GPT-3, thế hệ trước của ChatGPT, vượt qua kỳ thi cuối của chương trình MBA với mức điểm giữa B- và B.
Theo các nhà bình luận của NBC, ChatGPT có thể tạo ra những nội dung thuyết phục, nhưng không có nghĩa là nội dung đó có thật hoặc hợp lý. Dẫn lời bà Carly Kind (Viện Ada Lovelace, Anh), NBC cho rằng những công cụ AI như ChatGPT đặt ra nhiều nguy cơ về đạo đức và xã hội tuy rằng “chúng cũng có thể đưa tới những lợi ích thú vị mà chúng ta chưa biết đến".
Sự tiến hóa ở mức “siêu tưởng” của AI
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên phổ biến đến mức nhiều người có thể không nhận ra tác động của nó cũng như sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nó.
Khi máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov trong một trận đấu 6 ván tiêu chuẩn vào năm 1997, thì AI vẫn là điều gì đó mơ hồ, xa vời cuộc sống hằng ngày của con người.
Song chỉ 10 năm sau, lịch sử AI đã bước sang một trang mới khi Sophia trở thành robot hình người đầu tiên được Arab Saudi cấp quyền công dân như con người. Cùng với sự ra đời của điện thoại thông minh, sự phát triển của "Internet vạn vật" và nhiều tiến bộ công nghệ khác, AI đã thay đổi thế giới theo những cách đáng kinh ngạc và cũng đáng lo ngại.
Hiện AI đã len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của con người với sự hiện diện ở khắp mọi nơi: phần mềm nhận dạng khuôn mặt, email, thuật toán mua sắm trực tuyến, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, các "trợ lý ảo" như Siri và Alexa, ứng dụng dịch thuật, chương trình xem phim, chức năng an toàn tự động trên ô tô (và những chiếc xe tự lái trong tương lai), ngân hàng trực tuyến…
Ở cấp độ vĩ mô hơn, AI đã và đang tiếp tục tạo ra những thay đổi trong các lĩnh vực từ tài chính, y tế, tư pháp, giao thông vận tải, thành phố thông minh cho đến an ninh quốc gia, theo một báo cáo của Viện Brookings (Mỹ). Nhìn chung, AI có nhiều lợi thế: giảm lỗi của con người, chấp nhận rủi ro thay con người, sẵn sàng 24/7 trợ giúp trong các công việc lặp đi lặp lại, hỗ trợ kỹ thuật số và giúp đưa ra quyết định nhanh hơn.
Tuy nhiên sự thâm nhập ngày càng tăng của AI vào nhiều khía cạnh của cuộc sống cũng gây ra nhiều nghi ngại. Một tranh cãi gần đây nhất liên quan đến AI là ứng dụng Historical Figures. Ứng dụng này cùng với cơn sốt ChatGPT cho phép người dùng mô phỏng các cuộc trò chuyện với bất cứ ai trong số 20.000 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, bao gồm Adolf Hitler, theo NBC News.
Nina Schick - cố vấn, diễn giả và là một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo cho rằng vào năm 2025, AI sẽ tạo ra đến 90% nội dung trực tuyến, vì vậy công nghệ này sẽ phát triển theo cấp số nhân. Schick đưa ra nhận định tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của những công cụ AI “vốn gây sốc và khiến chúng ta kinh ngạc vào đầu năm 2023, sẽ còn kỳ lạ hơn nữa vào cuối năm nay, khi các khoản tiền rót vào không gian trí tuệ nhân tạo sẽ còn mạnh hơn nữa”.
Mới đây, cộng đồng mạng sửng sốt trước những bức ảnh chụp nhanh theo phong cách cổ điển từ một bữa tiệc tại gia được tạo bằng trí tuệ nhân tạo AI. Đó là những bức ảnh siêu thực nhưng khi nhìn kỹ hơn, chúng có thể khiến người xem gặp ác mộng. Theo tờ New York Post, ngày 16/1, những bức ảnh dường như mô tả những khoảnh khắc vui vẻ tại một bữa tiệc.
Mặc dù các khuôn mặt có thể trông giống thật nhưng trên thực tế chúng là sự kết hợp của vô số khuôn mặt được tạo ra bởi một cỗ máy. Tác giả của nó đã sử dụng nền tảng AI có tên là Midjourney. Mặc dù những hình ảnh nhìn thoáng qua có vẻ chân thực, nhưng một số người tham gia bữa tiệc bị thiếu các bộ phận cơ thể quan trọng. Trong hình ảnh những người đàn ông cụng ly nếu nhìn kỹ sẽ thấy bàn tay của người cầm chiếc ly màu đỏ bị rời hoàn toàn khỏi cơ thể.
Trong một bức ảnh khác, người ta thấy hai người phụ nữ đang tạo dáng chụp ảnh với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số màu trắng, người phụ nữ chụp ảnh có bàn tay trông giống như bị biến dạng nghiêm trọng. Một bức ảnh khác về hai người phụ nữ đang cầm một thứ có vẻ là một loại máy ảnh Polaroid cho thấy thậm chí nhiều ngón tay mọc ra từ bàn tay của nhiếp ảnh gia. Hay như nhiều phụ nữ trong bộ ảnh có quá nhiều răng trong miệng, một người thiếu một ngón tay cái.
Nhưng dẫu thế thì người ta vẫn cho rằng AI đang đặt ra các tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế cho phụ nữ. Nó đã đi xa đến độ tạo ra “vợ ảo” cho không ít người, khi có thể “chát chít” với nhau.
Một lập trình viên có tên Bryce, hiện là thực tập sinh cho một tập đoàn công nghệ lớn đã đăng tải các video về ChatGPT-chan lên TikTok. Trong một video, Bryce hỏi có muốn đi ăn ở Burger King không? Cô người máy đã phản hồi bằng một hình ảnh đang ăn hamburger và phát âm thanh: “Không đâu, ở đó toàn khoai tây chiên cũ và còn chẳng được uống Coca thoải mái”.
Bryce cho biết “cô vợ ảo” là thành quả sau khi kết hợp những công nghệ tiên tiến nhất: mô hình tạo lập ngôn ngữ, chuyển đổi văn bản thành giọng nói và thị giác máy tính.
“Cô ấy đang sống trong một thế giới giả lập thông qua những đoạn văn bản. Cô ấy được tạo ra từ nguồn tri thức của nhân loại và diễn giải về cách mọi thứ đang vận hành. Cô ấy được hệ thống giải thích về sự tồn tại của mình và hướng dẫn cô ấy nên làm gì. Vì thế mà cô ấy rất hấp dẫn” - Bryce nói và cho rằng về cơ bản, ChatGPT chỉ là một người máy vô cảm nhưng nếu có cốt truyện hấp dẫn, nó sẽ dần có tính cách và những thói quen rất thú vị.
Tuy nhiên, phát kiến “vợ ảo” của Bryce đã khiến phái nữ tức giận. Nhiều người cho rằng đó là tư duy lệch chuẩn. “Anh ta hèn nhát tới độ chỉ dám “tự sướng” với một cái máy vì nó không thể trừng trị anh ta. Anh ta không dám đối diện với chúng tôi trong tư cách một con người” - Maria Lanmar, một nữ người mẫu lên tiếng, nhưng Bryce đã im lặng.