Kinh tế

'Chìa khóa' cho xuất khẩu bền vững

H.Hương – P.Vân 25/03/2024 07:09

Để nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nông sản Việt cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó thực hiện truy xuất nguồn gốc là một trong những vấn đề cần được chú trọng.

anhtren(1).jpg
Đáp ứng được các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) được tiêu thụ mạnh cả trong và ngoài nước. Ảnh: Văn Trí.

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Ông Phạm Văn Xuân - Giám đốc Công ty Gia Bảo Cargo, kiêm Chủ nhiệm HTX VietGAP Hiền Khánh Ninh (Vĩnh Phúc) cho biết, hiện công ty đã đầu tư 4 trang trại với 6ha tại xã Hoàng Lâu, xã Tam Dương để trồng rau xanh, hoa lan. Quy trình sản xuất đều được doanh nghiệp (DN) đầu tư ứng dụng công nghệ cao của Israel, xây dựng nhà kính, nhà màng. Rau xanh của trang trại đang được cung ứng cho các nhà cung cấp thực phẩm tại thị trường khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc và Việt Trì, Phú Thọ. Quy trình sản xuất, từ trồng, thu hoạch, đóng gói hút chân không, kho lạnh đều được DN đầu tư bài bản. Sắp tới, DN sẽ đẩy mạnh số hóa trong hoạt động sản xuất, trang bị phần mềm quản lý điều hành nhằm kiểm soát được quy trình được tốt hơn nữa.

Còn đại diện Công ty TNHH Trà Vinh Farm Thạch Thị Chal Thi cho biết, Sokfarm đang từng bước xây dựng vùng nguyên liệu, vùng đệm và làm theo tiêu chuẩn hữu cơ, có được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của EU, Mỹ, Nhật… Quy trình sản xuất, tài liệu mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... đều được chuẩn hóa đưa vào hệ thống, phần mềm quản lý. Từ vùng nguyên liệu cho đến khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm dừa đều có nhật ký ghi lại nên việc truy xuất nguồn gốc được minh bạch, rõ ràng, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn.

Theo các chuyên gia trong ngành, với những người tiêu dùng thông minh hiện nay, băn khoăn về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm khi lựa chọn một loại thực phẩm nào đó là điều tất yếu, bởi xu thế đặt sức khỏe lên hàng đầu và phòng, chống bệnh tật cho con người, cũng như môi trường sống trở thành yêu cầu cấp thiết.

Trọng tâm của chuyển đổi số nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp đã xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030 là phải tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng; kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, chính xác; tăng tỷ trọng trong nền kinh tế với các yếu tố then chốt gồm: chuyển đổi số nông nghiệp, số hóa sản xuất nông nghiệp,…

Trong đó, truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa là một trong các nội dung quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), truy xuất nguồn gốc là 1 trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp. Quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản là phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân… Với những giá trị đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ là chiếc tem dán trên sản phẩm mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp” - ông Toản khẳng định.

Còn ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu quan điểm, nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc là kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Để đảm bảo điều đó, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra toàn bộ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc vi phạm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thực phẩm thực vật). Theo đó, vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện.

“Nông sản sạch” là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều gần đây. Điều đó cho thấy yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng nông sản xuất khẩu cũng là vấn đề cần được xử lý trong bối cảnh nông sản Việt Nam đang cần đứng vững trên thị trường xuất khẩu. Sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ được thương hiệu, nâng tầm giá trị của DN, hợp tác xã. Từ đó tăng tính cạnh tranh, kích thích người tiêu dùng mua hàng, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Đây cũng là nền tảng để xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) sang 11 thị trường; trong đó, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động. Riêng Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất cả nước, Tiền Giang có 528 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bến Tre có 84 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chìa khóa' cho xuất khẩu bền vững