Đón ngày Tết Độc lập thứ 71 của dân tộc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam chia sẻ với Đại Đoàn kết về đóng góp của kiều bào những năm qua, cùng các quyết sách nhằm gắn kết bà con và việc huy động nguồn lực kiều bào những năm tới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam.
Gắn kết kiều bào nhờ chính sách đại đoàn kết dân tộc
PV:Thưa Thứ trưởng, về đời sống của bà con kiều bào và xu thế phát triển của cộng đồng những năm tới, ông sẽ có nhận xét gì?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chúng ta thấy, cộng đồng có chuyển biến theo hai hướng tốt là trí thức hóa và đời sống vật chất nâng lên đáng kể. Điểm dễ nhận thấy là đời sống của bà con đang ngày càng sung túc hơn. Nếu mặt bằng chung về đời sống cộng đồng 10-20 năm trước còn khó khăn thì đến nay về cơ bản bà con đều có mức sống trung bình.
Nhận xét thứ hai theo quan sát của tôi đó là xu hướng trí thức hóa trong cộng đồng ngày càng nhiều lên. Vì sao? Đó là do thế hệ con em người VN ở nước ngoài sinh ra tai các nước bạn được học hành, được đào tạo bài bản. Hầu hết các cháu trở thành trí thức, nhà khoa học, giảng viên. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một số cộng đồng của chúng ta vẫn gặp khó khăn; mặc dù vẫn có sự phát triển trong khó khăn. Trong xu hướng chung là phát triển tốt thì với những nơi cộng đồng còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta sẽ hỗ trợ để bà con phát triển.
Cách đây hơn 10 năm, đã có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài. Ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36. Mới đây, Chính phủ đã công bố Chương trình hành động về công tác đối với người VN ở nước ngoài. Ông có thể cho biết những điểm nhấn trong Chương trình hành động của Chính phủ?
- Theo tôi, có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, tuyên truyền, quảng bá văn hóa của chúng ta để làm sao duy trì được nền văn hóa, ngôn ngữ Việt ở nước ngoài. Đây là nhiệm vụ quan trọng. Các thế hệ người Việt ở nước ngoài nhất là thế hệ con, cháu; thế hệ thứ ba, thứ tư, thứ năm- những người Việt Nam sinh ra ở nước ngoài phải tiếp cận được hệ thống giáo dục tiếng Việt học ở cộng đồng với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Về người VN ở nước ngoài. Phải làm sao để bất kỳ người VN nào ở nước ngoài cũng đều có ngôn ngữ Việt như một phương tiện kết nối dòng máu; như một thứ “dinh dưỡng”, đưa nền văn hóa thấm sâu vào cộng đồng người VN ở nước ngoài. Đây là mục tiêu của chương trình hành động.
Thứ hai là chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đây là điều còn trăn trở. Vẫn còn một số người VN ở nước ngoài còn chưa hiểu hiện tình đất nước. Cần phải kiên trì vận động làm sao đề những người con có dòng máu Việt hiểu và gắn bó với quê cha đất Tổ.
Thứ ba, phải xây dựng được hệ thống cộng đồng mạnh thì bà con sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển; tạo thành hệ thống cộng đồng liên kết, kết nối với nhau.
Cảm giác ấm áp khi trở về
Vậy làm sao để các Chỉ thị, Nghị quyết hay Chương trình hành động đi vào thực tiễn một các hiệu quả, thưa Thứ trưởng?
- Muốn như vậy chúng ta phải triển khai thực hiện trên rất nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cơ quan ở trong nước, các địa phương và nhân dân. Khi tổng kết 10 năm Nghị quyết 36 chúng ta khẳng định đã đạt được thành công trong việc thống nhất được nhận thức. Cả hệ thống chính trị cũng như nhân dân Việt Nam ta cùng chung tay để thực hiện công tác liên quan đến người VN ở nước ngoài. Đây cũng là một thành công trong thực hiện Nghị quyết.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, nhận thức đó còn khác nhau giữa Trung ương với địa phương; giữa ngành này với ngành khác, ngay giữa nhân dân cũng có nhiều nhận thức. Chính vì vậy, vẫn còn có những khó khăn, hạn chế trong công tác đối với người VN ở nước ngoài. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện nhận thức để làm sao ai ai cũng thấy rằng đây là vấn đề quan trọng cần chung tay thực hiện. Mục đích chỉ có một, là để công tác đối với người VN ở nước ngoài tiến nhanh, tiến mạnh; để làm sao bà con người Việt ở nước ngoài khi về nước cảm thấy tình cảm ấm áp của bà con trong nước; cảm thấy được về lại cái nôi, về lại ngôi nhà xưa yêu dấu. Đây là một nhiệm vụ quan trọng.
Thứ hai là từ phía Bộ Ngoại giao, cần triển khai các nhiệm vụ cụ thể, tới tận các cơ quan đại diện ngoại giao. Chúng ta đã làm được rất nhiều rồi. Nhưng trong quá trình tham vấn bà con, chúng tôi thấy, vẫn cần phải làm nhiều, làm tốt hơn nữa. Làm sao để các cơ quan đại diện của chúng ta phải thật sự là cầu nối, tổ ấm của bà con. Công tác vận động bà con ở nước sở tại cũng cần tốt hơn nữa.
Thứ ba, chính là nhận thức của bà con kiều bào. Chúng ta vẫn nói, bà con có nguyện vọng, có nhu cầu để trở về thăm quê hương đất nước; nhưng cũng phải thừa nhận vẫn có những người từ khi rời quê hương ra đi, 40 năm rồi chưa bao giờ về nước. Bởi, họ còn có những mặc cảm, những hiểu sai; còn tiếp cận những thông tin chưa đúng về đất nước.
Đó là lý do công tác thông tin tuyên truyền phải đẩy mạnh hơn nữa. Công tác vận động kiều bào của chúng ta phải làm tốt hơn nữa, rộng hơn nữa. Có như thế thì 4,5 triệu người VN ở nước ngoài mới hiểu Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ là phục vụ bà con, là mục tiêu bà con hướng tới.
Quyết sách thu hút trí thức, DN kiều bào
Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về việc phát huy nguồn lực kiều bào trong thời gian tới?
- Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đặt ra để thực hiện chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết 36 và được nhấn mạnh lại trong Chỉ thị 45. Chương trình hành động của Chính phủ lần này cũng nêu rất rõ: Phải làm sao để chúng ta có thể thu hút được cộng đồng trí thức kiều bào, nguồn lực trí tuệ về đóng góp cho đất nước.
Nhiệm vụ của Ủy ban trước hết là phải xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu của các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài. Chúng ta đã làm được và sẽ tiếp tục thực hiện công việc này. Hiện nay chúng ta có cơ sở dữ liệu khoảng 10 ngàn nhà khoa học kiều bào trong danh sách này, trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và trong lĩnh vực ứng dụng vào sản xuất. Đã có nguồn dữ liệu rồi thì lại phải có cách tiếp cận, thông tin tới trí thức. Làm sao để trí thức của chúng ta thấy được đất nước có cơ hội, có yêu cầu mở ra cánh cửa cho bà con thử sức; để các trí thức kiều bào của ta có cơ hội thử khả năng của mình trên quê hương.
Một hướng đi khác là các cơ quan trong nước phải có một quyết tâm thống nhất, phải làm sao để các bộ, ngành thấy được chúng ta có sự chân thành đối với trí tuệ và đóng góp của bà con.
Như đã nói, sau Nghị quyết 36, người VN ở nước ngoài cơ bản có quyền hạn và trách nhiệm như người Việt Nam ở trong nước. Thế thì, khi họ về nước họ cần phải được ứng xử, có các quan hệ, có môi trường hoạt động tương đương những người làm khoa học trong nước. Có như thế mới tạo được sự cân bằng, mới không có khác biệt. Làm được thế, bà con sẽ cảm thấy hài lòng.
Mặt khác, trong chính sách của Nhà nước thì chính sách đãi ngộ cũng là điều cần lưu tâm. Đây không phải điều quan trọng, rất nhiều trí thức kiều bào đã nói như thế. Nhưng bản thân chúng ta cũng cần coi trọng điều này. Bởi, dù sao trí thức kiều bào đã từng sống trong môi trường, mức sống khác khi về trong nước cũng cần đáp ứng được nhu cầu ấy; để làm sao không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi về nước. Như thế sẽ thu hút được nhiều trí thức hơn.
Trong lĩnh vực kinh tế, vừa rồi chúng ta đã tổ chức được Hội nghị doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài; tổ chức Hội nghị người VN ở các nước. Kết nối doanh nghiệp Việt ở nước ngoài với trong nước. Kết nối doanh nghiệp Việt ở các nước với nhau. Ví dụ, vừa qua một số hợp đồng giữa kiều bào Thái và kiều bào Nga đã được ký kết để cung cấp một số hàng hóa hai bên có nhu cầu. Thúc đẩy theo hướng đó vừa để hỗ trợ cộng đồng phát triển vừa để thu hút sự đóng góp của bà con với đất nước.
Vào tháng 11 tới, Ủy ban sẽ tổ chức Hội nghị người VN ở nước ngoài tại TP HCM. Điểm mới của Hội nghị này là gì, thưa Thứ trưởng?
- Trước đây chúng ta thường tổ chức các hội nghị mang tính chất vĩ mô là nơi để bà con kiến nghị chính sách. Lần nay chúng tôi chuyển sang một hướng khác đi vào những công việc, chính sách cụ thể. Hội nghị lần này là hội nghị trí thức, doanh nghiệp kiều bào toàn thế giới chung sức, chung tay cùng TP HCM phát triển.
Được cụ thể hóa về mục đích có điểm hay ở chỗ, kiều bào có thể nghĩ đến nhiều hướng đóng góp với TP lớn nhất nước: Từ quản lý đô thị đến xây dựng thành phố thông minh. Từ xây dựng hệ thống giáo dục của một thành phố lớn đến xây dựng mô hình giáo dục đại học như các nước phát triển… Đó là những ý tưởng mà kiều bào rất mong muốn được đóng góp với lãnh đạo TP HCM.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!