Làm sao để giáo viên không còn chật vật với thu nhập thuần từ lương là câu chuyện ai cũng nhìn thấy và là trăn trở nhiều năm nay không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà của toàn xã hội.
Nghịch lý “nghề cao quý”
Với mức lương khởi điểm 2,34 sau khi ra trường, cô N.N, một giáo viên dạy Ngữ văn cấp II ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết sau 15 năm ra trường, thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp khác của cô đang ở mức gần 8 triệu một tháng bao gồm cả phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Sống tại Hà Nội, khoản lương cố định này chỉ đủ cho chi phí ăn uống, di chuyển và sinh hoạt gia đình còn tiền học hành của 2 con và những khoản lớn khác phải chi tiêu đều phụ thuộc vào thu nhập của chồng.
Cô giáo Thu Hà (Trường tiểu học Mai Động - Hà Nội) cho biết trước đây nhà chỉ có một máy tính vì không có nhu cầu dùng nhiều. Nhưng khi mẹ cần dạy trực tuyến, con cần học trực tuyến, bố cũng làm việc ở nhà thì việc phải trang bị thêm thiết bị học tập, làm việc là bắt buộc. “Lo con học máy điện thoại màn hình bé, tiếp thu bài khó, nhìn mỏi mắt nên nhà tôi mua thêm 3 máy tính theo hình thức trả góp, nâng cấp gói wifi đang dùng cho tốc độ ổn định hơn, đỡ rớt mạng” - cô Hà chia sẻ về một chi phí phát sinh trong mùa dịch khó khăn.
Trước đó, nhiều giáo viên đã mong ngóng những thay đổi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 quy định về từ việc bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non công lập có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Theo đó, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98); giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang áp dụng từ 1,86 - 4,98); Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).
Tuy nhiên, trên thực tế, từ ngày 20/3/2021, số giáo viên các cấp được tăng lương là… rất hiếm do để đạt được các điều kiện tăng lương theo quy định là không dễ. Đơn cử, với giáo viên mầm non, mặc dù bổ sung thêm hạng mới nhưng chỉ được bổ nhiệm nếu thuộc diện được xét hoặc thi thăng hạng.
Trong khi đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai chùm Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với đó, lãnh đạo các đơn vị chưa xây dựng được đề án, vị trí việc làm, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên. Vì thế, việc lương tăng ngay sau ngày 20/3/2021 vẫn phải chờ lộ trình thực hiện.
Giảm áp lực giáo dục công
Theo Điều 76 Luật Giáo dục 2019, tiền lương giáo viên được quy định như sau: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.
Theo phân tích của một chuyên gia giáo dục, một điểm mới cơ bản của quy định này đó là việc tính lương sẽ không lấy hệ số nhân với lương cơ sở mà tiền lương được tính toán theo vị trí việc làm. Giáo viên sẽ được đánh giá theo bộ chuẩn về năng lực và phẩm chất. Với cách làm này, không phải cứ làm lâu năm thì lương cao hơn, do vậy có thể giải quyết được bất cập về việc “cào bằng” theo hệ số cấp bậc. Ưu điểm của thay đổi này là lương giáo viên mầm non, tiểu học, THCS sẽ tăng, giáo viên mới vào ngành sẽ được chi trả theo đúng công sức lao động, vị trí việc làm. Nhưng Luật Giáo dục (có hiệu lực từ tháng 7/2020) hiện vẫn phải chờ các quy định, hướng dẫn về chính sách cải cách tiền lương mà do tình hình dịch Covid-19 nên việc cải cách tiền lương dự kiến thực hiện trong năm 2020, sau đó là 2021 phải dời đến ngày 1/7/2022. Nhưng ngay cả khi việc tăng lương được thực hiện thì nhiều chuyên gia phân tích, dự báo cũng chỉ ra xu hướng “lương chưa tăng, giá đã tăng” luôn bền bỉ qua mỗi đợt tăng lương cơ sở những năm qua. Vì vậy, đây vẫn chưa phải là mong mỏi của phần đông giáo viên với câu hỏi “bao giờ sống được bằng lương?”.
Làm sao để giáo viên không còn chật vật với thu nhập thuần từ lương là câu chuyện ai cũng nhìn thấy và là trăn trở nhiều năm nay không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà của toàn xã hội. Trong khi đó, dạy học là một công việc nhiều áp lực, vất vả nên nếu thầy cô không toàn tâm, toàn ý với nghề mà vẫn phải “chân trong, chân ngoài” vì mưu sinh cuộc sống hàng ngày thì khó kỳ vọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục…
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc trăn trở: Trong rất nhiều khó khăn của việc tăng lương cho giáo viên để thầy cô sống được với nghề giáo, tôi cho rằng cần giảm bớt áp lực cho khu vực giáo dục công bằng cách khuyến khích giáo dục tư nhân. Khi quy mô của giáo dục tư nhân tăng lên, kéo theo đó áp lực trả lương cho giáo viên công lập sẽ giảm bớt, sẽ có điều kiện để tăng lương trong khi giáo viên khu vực tư nhân cũng sẽ cải thiện mức lương theo quy luật kinh tế thị trường.