Đó là băn khoăn của nhiều phụ huynh sau khi các địa phương nằm trong “tâm dịch” phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động được phép trở lại nơi làm việc. Có thể trở lại công việc bình thường, song nhiều phụ huynh đang canh cánh nỗi lo khi con nhỏ chưa thể trở lại trường học.
Chọn việc hay chọn trông con?
Mấy tuần nay, vợ chồng chị Đào Thị Hạnh (phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TP HCM) không biết xoay xở thế nào với 2 con nhỏ, đứa lớn hơn 4 tuổi, đứa nhỏ mới 22 tháng tuổi. Chị Hạnh cho biết, các trường mầm non chưa mở cửa, chị và chồng phải thay phiên nhau nghỉ ở nhà để trông con.
Tình hình càng trở nên khó khăn hơn kể từ đầu tháng 10, khi TP HCM bắt đầu cho phép đi lại bình thường, cả hai vợ chồng không thể thay phiên nghỉ do công ty sau thời gian hoạt động cầm chừng, các đầu việc phải giải quyết nhiều hơn thường lệ. “Tình cảnh này chúng tôi chưa biết phải xử lý thế nào, hoặc là nghỉ việc hoặc bỏ con bơ vơ ở nhà” - chị Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó, anh Mai Đình Chiến (phường Quyết Thắng, Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) tâm sự, anh có cậu con trai vừa tròn 12 tháng, gia đình vừa tổ chức thôi nôi cho cháu xong thì cũng là lúc ba mẹ cháu phải trở lại cơ quan làm việc. Gia đình nội, ngoại lại xa nên không có ai hỗ trợ, đành phải đi gửi hàng xóm.
“Ngặt nỗi, cháu chưa bao giờ đi nhà trẻ, suốt ngày quanh quẩn bên ba mẹ nên khi gửi người lạ, ngày nào đi làm về thấy cháu cũng khóc sưng cả mắt. Mong nhà nước cho các cơ sở trông giữ trẻ sớm hoạt động trở lại để gia đình yên tâm công việc”, anh Chiến nói.
Tương tự, chị Bùi Thuý Tình (ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, chồng chị thường xuyên phải đi công tác xa, mọi việc chăm sóc con đều dồn lên đôi vai chị. Thời điểm trường mẫu giáo hoạt động, tuy vẫn vất vả nhưng chị Tình còn sắp xếp được, thời điểm này thực sự rất khó khăn.
“Tôi đang dự định nghỉ không lương vài tháng để trông cháu, với hy vọng hết dịch để con được đến trường, tôi thì yên tâm công tác”, chị Tình nói.
Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ
Anh Trịnh Thành Nghĩa (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, anh có hai con, (4 tuổi và một 6 tuổi), do các cháu chưa quen tự lập nên ở nhà không thể tự lấy thức ăn được. Đó là chưa kể nguy cơ điện giật, leo trèo, nghịch ngợm dao kéo hoặc chưa thể xử lý những tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó, việc học của đứa con lớn cũng là nỗi lo. “Để sẵn máy tính học trực tuyến, chỉ cho cháu một vài thao tác cơ bản thì cháu nhớ nhưng khi mạng trục trặc… cháu cũng chưa thể xử lý” anh Nghĩa lo lắng.
Không được may mắn như những gia đình khác, chị Thái Thị Thuỷ (phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM) có 2 người con, trong đó đứa lớn 10 tuổi bị mắc chứng tự kỷ từ nhỏ. Chị Thuỷ cho hay, gia đình đã đưa cháu đi can thiệp điều trị mấy lần, cháu có sự tiến bộ nhưng vẫn chưa thể tự kiểm soát được bản thân. Bình thường, cháu được đến trung tâm dành cho trẻ tự kỷ, ở đó có các thầy cô chăm lo nên cũng phần nào yên tâm nhưng bây giờ các cơ sở chưa thể hoạt động đành phải để cháu ở nhà.
“Không thể sắp xếp được công việc nên tôi đành phải xin nghỉ việc để trông các con. Còn nhỏ mới học lớp 2, chuyện học của cháu cũng phải có mẹ bên cạnh”, chị Thuỷ chia sẻ.
Theo khuyến cáo của chuyên gia về kỹ năng sống - ThS. Nguyễn Thanh Huân, nếu con còn quá nhỏ (dưới 12 tuổi), phụ huynh không nên để trẻ ở một mình. Đồng thời, cần có kế hoạch thay thế giờ làm việc, nơi làm việc để đảm bảo rằng trẻ luôn an toàn và có sự để mắt của người lớn.
Theo ông Huân, việc học trực tuyến của các em sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, trình độ nhận thức, phương tiện sẵn có của gia đình mà phụ huynh tiến hành việc hướng dẫn sao cho phù hợp nhất. Cha mẹ cũng cần xây dựng thời khóa biểu cho con và nhắc nhở con thường xuyên.
“Dù chúng ta đi làm nhưng cũng không thể cắt đi kênh hỗ trợ cho trẻ, hãy thường xuyên gọi điện thoại nhắc nhở, hướng dẫn và động viên con. Những kênh hỗ trợ này có thể là giáo viên, người hỗ trợ kỹ thuật của các phần mềm học trực tuyến.”, ông Huân nhấn mạnh.