Chiều ngày 6/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết những ngày qua, chúng ta có ít hơn ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu vì dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch. Chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị. Hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.
Tờ DW của Đức in một bức tranh cổ động cho thấy Việt Nam rất quyết liệt trong phòng, chống dịch Covid-19, với những kết quả đáng ghi nhận.
Đây là giai đoạn căng thẳng nhất, khó khăn nhất trong cuộc chiến ngăn chặn, phong tỏa, khoanh vùng dập dịch Covid-19 được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiến hành suốt hơn 3 tháng qua.
1. Thế nhưng, trong những lúc khó khăn vô vàn, mọi người cùng góp công góp của dập dịch thì lại có những tiếng nói lạc lõng phủ nhận kết quả phòng, chống dịch bệnh của đất nước, hòng “mượn gió bẻ măng” để chống phá chế độ, chống Đảng. Thủ đoạn này suy cho cùng cũng không có gì mới, vì thực tế cho thấy mỗi khi đất nước có sự kiện lớn thì những đối tượng xấu, chống đối, thù địch lại ngóc đầu dậy, hạ thấp thành quả, thổi phồng khuyết điểm, tung tin xấu lái dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực, kích động nội loạn.
Trước những thành công bước đầu trong cuộc chiến dập dịch của chúng ta, trên mạng xã hội lại xuất hiện những lời dè bỉu, hoài nghi, phủ nhận. Có kẻ cho rằng đó chỉ là “ăn may”, chứ với tiềm lực “như thế” thì làm sao mà dịch không lây lan trong cộng đồng trên diện rộng, nhiều người chết. Từ đó, lại cho rằng Nhà nước đã giấu dịch, không công bố đúng số ca nhiễm lẫn số ca tử vong.
Đó là những ý kiến độc hại, cố tình bóp méo sự thật. “Ăn may” sao được trong khi ngay từ đầu tháng 1/2020, khi dịch bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) bùng phát, Chính phủ đã lập tức vào cuộc. Hàng loạt biện pháp mạnh mẽ được đưa ra. Đường biên giới trên bộ được kiểm soát chặt chẽ. Tiếp đó, theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, các biện pháp phù hợp được khẩn trương áp dụng như yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người, hạn chế ra đường nếu không thật cần thiết, các hàng quán, cửa hàng kinh doanh hàng hóa không thật thiết yếu tạm thời đóng cửa. Đặc biệt, việc sớm phong tỏa xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) nơi có ca nhiễm Covid-19 từ Vũ Hán về được coi là chưa từng có tiền lệ, với hơn 10.000 người dân phải cách ly trong vòng 21 ngày. Tiếp đó, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế, kiểm tra y tế, đưa đi cách ly tập trung. Ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào đồng thời phát hiện khoanh vùng các ổ dịch, những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm từ bên trong đã được Chính phủ cũng như các địa phương tiến hành rất khẩn trương, quyết liệt. “Chống dịch như chống giặc” thì sao lại là chuyện “ăn may”?
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh), xác định đây là những ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rộng ra cộng đồng, lập tức các biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng. Hàng chục ngàn người được tìm kiếm, xét nghiệm để ngăn chặn dịch - những hành động không phải quốc gia nào cũng có thể làm được. Đặc biệt, kể từ 0 giờ ngày 1/4, Chính phủ chỉ thị cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, với tinh thần tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, nhà nào ở nhà đó. Với tinh thần đó, sự quyết liệt đó thì việc hạn chế tác động xấu của dịch bệnh, để tiến tới dập dịch là điều tất nhiên, không thể là chuyện “ăn may”.
Thành công bước đầu trong cuộc chiến dập dịch dài lâu của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận, qua đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, của nhiều Chính phủ, nhiều hãng truyền thông trên quốc tế. Đó là điều không thể phủ nhận.
2. Cũng trong những tháng ngày cả nước chung sức chung lòng dập dịch, thì lại có ý kiến nhân danh “trí thức” khi phân tích tình hình cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ trước sự tàn phá của dịch bệnh. Những “nhân sĩ” lạc điệu đi ngược quyền lợi quốc gia, dân tộc này cho rằng kinh tế Việt Nam mở quá mức trong thời gian qua (xuất khẩu), phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc nay trước tình thế “bế quan tỏa cảng” sẽ đổ vỡ. Từ đó chế độ sụp đổ, đời sống người dân lầm than. Họ còn so sánh nền kinh tế Việt Nam với các nước giàu có, đưa ra luận điểm các nước giàu đến thế còn lâm nguy thì huống hồ Việt Nam.
Họ những mong nền kinh tế của đất nước suy sụp, người dân khốn khổ từ đó lòng người bất an.
Đó là thái độ giả nhân giả nghĩa, giả danh tiếng nói “độc lập, khách quan” để che giấu thái độ thù địch. Đáng lẽ phải chung lưng đấu cật cùng đất nước vượt qua khó khăn thì lại ma mãnh kích động tạo bức xúc xã hội. Đó chính là những kẻ đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây trong Báo cáo “Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) trong thời kỳ Covid-19” vừa công bố, cho thấy trong khi dịch Covid-19 hoành hành làm điêu đứng kinh tế trên phạm vi toàn cầu, thì vẫn có một số quốc gia giữ được mức tăng trưởng, trong đó có Việt Nam. WB đã đưa ra nhiều kịch bản mang tính dự báo, thì trong kịch bản tồi tệ nhất, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Đó không phải những lời ve vuốt, mà là sự ghi nhận khách quan. Nhận thức đầy đủ khó khăn sẽ phải gặp, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều kịch bản cho nền kinh tế trong và sau dịch. Ở đó, chúng ta đã lường trước mọi khó khăn, nếu quý 2 hết dịch thì thế nào, quý 3 hết dịch đi chăng nữa thì cũng vẫn sẵn sàng chủ động ứng phó. Tinh thần ấy của Chính phủ cũng chính là thái độ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam, tỉnh táo lường trước, bình tĩnh vượt qua khó khăn, kể cả tình huống ngặt nghèo nhất.
Khi người dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Chính phủ thì khó khăn sẽ vượt qua. Những kẻ lợi dụng chiêu bài “tiếng nói độc lập, khách quan” để tìm cách lươn lẹo chia rẽ Đảng, Nhà nước với Dân, gây hoảng loạn xã hội sao có thể đang tâm nhắm mắt làm ngơ trước những nỗ lực phi thường của đất nước. Những nỗ lực ấy, niềm tin ấy đã được thế giới thừa nhận. Mới đây, (ngày 30/3), Tổ chức Nghiên cứu Dalia (Dalia Research) công bố : 62% người Việt Nam cho rằng Chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp. Kết quả khảo sát dựa trên đánh giá của khoảng 32.631 người ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trải khắp các lục địa trên thế giới được lấy ý kiến. Theo xếp hạng của Dalia, Việt Nam là quốc gia mà người dân có độ hài lòng cao nhất thế giới (62%) về phản ứng của Chính phủ đối với dịch bệnh, đứng thứ 2 là Argentina (61%), tiếp đến là Singapore (57%).
Đó mới là sự thật khách quan, chứ không phải là những gì mà một số kẻ đi ngược lợi ích quốc gia dân tộc tung hỏa mù như tung ra một thứ virus độc hại. Loại virus ấy dù có biến thể đi chăng nữa thì cũng sẽ bị nhận diện. Bởi sự thật vẫn là sự thật. Với quyết tâm cao nhất, cả nước đồng lòng ngăn chặn, tiêu diệt virus Corona chủng mới gây bệnh Covid-19, thì với loại virus độc hại chống phá chế độ kia cũng sẽ bị dẹp bỏ. Với ý nghĩa đó, việc “khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong” trong cuộc chiến chống Covid-19 đã có thêm ý nghĩa mới.