Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), cộng đồng doanh nghiệp vừa là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Nâng sức cạnh tranh nhờ thực thi năng lượng tái tạo
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày một diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó Việt Nam là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH.
Theo dự báo quốc tế, đến năm 2050, kinh tế tài chính toàn cầu có thể thiệt hại tới 38.000 tỷ USD mỗi năm do BĐKH, ảnh hưởng nặng nề tới cả các nước phát triển và đang phát triển như Việt Nam. Tính toán ban đầu của một nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy Việt Nam mất đi khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của BĐKH. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính BĐKH sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người lâm vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
Do đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi, thúc đẩy năng lượng tái tạo, cũng như thực hiện các chiến lược thích ứng khí hậu hiệu quả sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và là con đường ngắn nhất dẫn đến sự thịnh vượng lâu dài. Nhấn mạnh những thách thức do BĐKH đem đến là rất lớn, song theo ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục BĐKH thuộc Bộ TNMT, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vừa là đối tượng chịu tác động của BĐKH, vừa là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Qua đó, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Đồng quan điểm, ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc quốc gia của HSBC tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tính bền vững là yếu tố then chốt giúp xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, công bằng và kiên cường. Để đạt được sự phát triển bền vững, cần thúc đẩy mối liên kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và môi trường để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Theo ông Ahmed Yeganeh, với cách chuyển dịch hướng tới kinh tế xanh, các quốc gia có thể tạo việc làm, kích thích đổi mới và thu hút đầu tư phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. Các ngành như năng lượng tái tạo, du lịch bền vững và công nghệ xanh không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Về mặt xã hội, cam kết về tính bền vững sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng toàn diện, đảm bảo sự phát triển mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần xã hội, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.
Cần nguồn tài chính lớn
Rõ ràng hiệu quả đem lại rất lớn song theo ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozone, Cục BĐKH, tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện những cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và đang tạo ra áp lực phải chuyển đổi xanh. Việc chuyển đổi công nghệ hiện đại, hiệu quả giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững. Trong khi đó, nguồn lực cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải trong cộng đồng DN cũng còn hạn chế.
Tương tự, TS Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế TNMT (Viện Chiến lược, Chính sách TNMT, Bộ TNMT) cho rằng, ở cấp độ DN, việc chuyển đổi xanh thấy rõ sự khác biệt giữa nhóm DN lớn và nhóm DN quy mô nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, nhóm DN nhỏ và vừa rất khó nhận biết sự chuyển đổi hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, dù một số doanh nhân có nhiều sáng kiến. Các rào cản chính là hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, khiến nhiều DN bị tụt lại phía sau.
Thực tế dù nhu cầu vốn lớn và cơ hội đầu tư phong phú, nhưng việc rót vốn vẫn gặp nhiều khó khăn do các rào cản trong chuyển đổi xanh. Nhiều báo cáo đã cho thấy những trở ngại liên quan đến cải cách hành chính, thuế, tín dụng xanh và tái chế rác thải, làm chậm quá trình triển khai các dự án xanh.
Tại hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 mới đây, đại diện các ngân hàng cho biết, những cơ hội mà tín dụng xanh mang lại bao gồm khả năng tăng tín nhiệm, tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, cũng như phát triển bền vững thông qua việc tạo ra tác động tích cực về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng đã đề cập đến nhiều thách thức trong quá trình triển khai tín dụng xanh, từ quy trình thẩm định phức tạp, chi phí đầu tư ban đầu cao. Cho đến những thách thức về thay đổi tư duy, sản phẩm, sự cần thiết phải đào tạo nhân sự chuyên môn và nâng cao nhận thức về tín dụng xanh để thích ứng với các tiêu chuẩn phát triển bền vững.