Chủ động vượt thách thức hội nhập

Lục Bình 23/09/2015 08:25

Không thụ động, buông xuôi cơ hội, phó mặc trước mọi thách thức mà AEC đặt ra, phải hành động một cách chủ động, tích cực, liên kết nhiều hơn để hóa giải những thách thức trong quá trình hội nhập sâu… đó là những giải pháp được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội” do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội tổ chức sáng 22/9.

TS Nguyễn Đình Dương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội cho biết, việc hình thành AEC vào cuối năm 2015 được dự báo sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội khi tham gia AEC cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước ASEAN, nhất là với những nước đi sau có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn như: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Theo đó, kinh tế Thủ đô cũng sẽ gặp không ít thách thức.

Những thách thức của quá trình hội nhập mang lại theo ông Dương, khi tham gia vào AEC, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Hà Nội sẽ gặp phải sức ép cạnh tranh rất lớn, trong đó đáng chú ý là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về du lịch đầu tư của các nước ASEAN.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DN Hà Nội trong quá trình tham gia AEC vào cuối năm 2015, PGS.TS Hoa Hữu Lân – Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội cho rằng: Hà Nội cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp vĩ mô và vi mô một cách căn cơ.

Về vĩ mô cần hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lộ trình cắt giảm thuế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN theo yêu cầu của AEC, tăng cường tuyên truyền về quá trình tất yếu tham gia AEC đối với các DN, hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ về xuất-nhập khẩu, vốn, thiết bị công nghệ, nguồn nhân lực đối với các DN.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất: Các DN cần tập trung vào các ngành sản xuất mũi nhọn như giày dép, dệt may, điện tử, phần mềm và chế biến thực phẩm, hải sản…để, một mặt, giữ vững thị trường trong nước; mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành công xưởng hoặc tham gia chuỗi cung ứng giá trị, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong và ngoài AEC.

Đặc biệt phải kết hợp chặt chẽ bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ, hài hòa của các mục tiêu, loại công cụ chính sách và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng hữu quan và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Với vị thế là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội chắc chắn sẽ đối diện với những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Tuấn khẳng định, với vai trò tiên phong, Hà Nội sẽ chủ động các giải pháp đối phó với các thách thức để tận dụng tốt lợi thế hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động vượt thách thức hội nhập