Chú trọng kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Mạnh Dũng 17/10/2017 09:15

Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội là yêu cầu đã được đặt ra từ lâu. Ở thời điểm này khi mà dạy nghề đang chuyển từ đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, vấn đề “siết” kiểm định chất lượng giáo dục cũng đang được chú trọng.

Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để sát với nhu cầu của xã hội. Nguồn: vnn.vn.

Hướng mạnh sang đào tạo theo nhu cầu thị trường

Kể từ năm 2017, Bộ LĐTB&XH đã thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên. Đây cũng là lần đầu tiên hệ thống GDNN thu về một mối, tạo cơ hội thống nhất và thực hiện chiến lược phát triển trên toàn hệ thống.

Theo TS Cao Văn Sâm - phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), GDNN Việt Nam đang chuyển mạnh từ đào tạo chủ yếu theo “cung” sang đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước. Tuy mạng lưới cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.989 cơ sở; trong đó, 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN. Tuyển sinh năm học 2014 - 2015 đạt gần 2,3 triệu người; chất lượng ngày càng được cải thiện nhưng còn những hạn chế nhất định.

Cơ sở GDNN nhiều nhưng cơ sở có năng lực quản trị hạn chế. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo còn thiếu chính sách về lợi ích nên việc tham gia của các doanh nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng; các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo được cải thiện nhưng vẫn còn chậm; hướng nghiệp, phân luồng chưa đủ mạnh nên vẫn còn bất cập giữa cung đào tạo với cầu sử dụng, dẫn đến lãng phí không cần thiết...

Trong rất nhiều những giải pháp cơ bản nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, theo TS Cao Văn Sâm, có việc đổi mới đổi mới cơ chế, chính sách, tiến tới giao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở về nhân sự, tài chính, tổ chức đào tạo; từng bước chuyển cơ chế cấp kinh phí thường xuyên cho các cơ sở sang cơ chế đặt hàng và đấu thầu đào tạo theo kết quả đầu ra, không phân biệt trường công lập hay tư thục…

Cùng với đó là việc tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp để doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp số liệu về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu đối với vị trí việc làm; doanh nghiệp tham gia vào tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo từ việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo đến việc thi, kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp; thúc đẩy việc công nhận bằng cấp với các nước trên thế giới; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập.

Sẽ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp 5 năm/lần

Trong tháng 9 vừa qua, Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Thông tư quy định đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Bộ này đề xuất quy định về chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được thực hiện định kỳ 5 năm một lần đối với cơ sở dạy nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề. Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc chương trình đào tạo không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả đánh giá ngoài của tổ chức kiểm định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc chương trình đào tạo không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Theo dự thảo, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp gồm: Đánh giá ngoài; Thẩm định kết quả đánh giá ngoài; Công nhận kết quả đánh giá ngoài và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Trước đó, Bộ LĐTB&XH cũng đã ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH​ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Thông tư này được áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị, cá nhân có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chú trọng kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp