Ngày 28/2, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo: "Xây dựng bộ tiêu chí, công tác huy động nguồn lực và mô hình tổ chức bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025".
Quang cảnh buổi hội thảo.
Tính đến tháng 2/2020, cả nước có 4.947/8.902 xã (55,6%) đã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Và hiện có 9 tỉnh/ thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ.
Theo định hướng giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ tập trung nhằm nâng cao đời sống của người dân nông thôn và có những điều chỉnh bổ sung, khắc phục những hạn chế nhằm phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù từng vùng miền, nhưng trên cơ sở giữ nguyên 19 bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, quan tâm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để hình thành nền nông nghiệp hiện đại; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia cho biết, về cơ bản 19 tiêu chí sẽ không thay đổi nhiều mà chủ yếu chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù.
“Sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí quan trọng như: thu nhập, giảm hộ nghèo, giáo dục, lao động, môi trường, an ninh trật tự... để đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả” - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.