Tinh hoa Việt

Chuyện chưa kể về gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên

TRẦN THỊ TRƯỜNG 16/12/2023 17:46

Nhạc sĩ Phạm Tuyên có 2 người con gái xinh đẹp nhưng lại rất khác nhau, người làm khoa học, người trở thành nhà báo. Vợ ông - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết là người đặt nền móng khoa Giáo dục mầm non ở nước ta…

t3.jpg
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến cùng cha - nhạc sĩ Phạm Tuyên giao lưu với độc giả. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Trong đó người con gái cả Phạm Thanh Tuyển rất yêu những tác phẩm âm nhạc của cha, và thành tựu trong sự nghiệp của mẹ - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết.

Chị là một nhà khoa học, chuyên gia, Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam. Không đi theo con đường giống như cha mẹ mình nhưng Thanh Tuyển tự hào về họ.

Trước khi mất ở tuổi chưa đến 60 chị là người đóng góp nhiều công sức cho chương trình âm nhạc của cha mình mang tên: “Phạm Tuyên - Nhớ và Quên” kỷ niệm sinh nhật 88 tuổi diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia năm 2017. Và luôn đồng hành cùng em gái trong việc gìn giữ di sản của cha mẹ mình, của cả dòng họ nội ngoại...

Phạm Hồng Tuyến là con thứ 2. Có lẽ cô út của nhạc sĩ Phạm Tuyên không chỉ được dòng họ gửi gắm sự nghiệp nối tiếp cha mẹ mà còn được ông trời cho đặc ân, cho khả năng để làm tròn cái nhiệm vụ đó.

Nếu trong 70 năm lặng thầm “chép sử cho âm nhạc”, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã để lại di sản sáng tác đồ sộ lên tới 700 ca khúc ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, yêu đời, yêu người và đặc biệt là hàng trăm ca khúc dành cho các em thiếu nhi, thì Phạm Hồng Tuyến là giọng hát đầu tiên hát lên những bài hát viết cho tuổi mẫu giáo.

Dường như bài hát nào của nhạc sĩ viết cho thiếu nhi cũng là viết cho con gái, và bài hát nào cho mẫu giáo thì con gái cũng hát ngay và hát rất hay trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Viết cho con gái ruột nhưng tất cả thiếu nhi ở tuổi con gái ông đều cảm thấy như viết cho mình. Người lớn cũng thấy đấy là những bài viết cho con cháu của họ.

Được vậy là bởi tài hoa của người nhạc sĩ, riêng mà thành chung bởi tính phổ quát, sự bao hàm, chắt lọc tạo ra sự đồng điệu cho cộng đồng. Đến bây giờ, những người ở thế hệ U80 vẫn còn nhớ giọng hát của Phạm Hồng Tuyến qua chiếc loa nhỏ treo trên tường nhà mình, phát đi từ Đài Tiếng nói Việt Nam. “Thứ hai là ngày đầu tuần/ Bé hứa cố gắng chăm ngoan/ Thứ ba, thứ tư, thứ năm/ Ngày nào cũng luôn cố gắng/ Thứ sáu rồi đến thứ bảy/ Cô cho bé phiếu bé ngoan/Chủ nhật cả nhà đều vui vì bé ngoan suốt tuần”.

Nếu chúng ta biết về Phạm Tuyên, người nhạc sĩ đã sáng tác những bài hát đi cùng năm tháng: “Bài ca người thợ rừng”, “Bài ca người thợ mỏ”, hợp xướng “Miền Nam anh dũng và bất khuất”, “Bám biển quê hương”, “Yêu biết mấy những con đường”, “Chiếc gậy Trường sơn, “Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ”, “Từ làng Sen”, “Đêm trên Cha Lo”, “Từ một ngã tư đường phố”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào”, “Màu cờ tôi yêu” (thơ Diệp Minh Tuyền), “Thành phố mười mùa hoa” (1985, thơ Lệ Bình,...)...

Biết ông là con thứ 9 của Phạm Quỳnh, một viên quan đại thần và nhà văn hóa thời Nguyễn, cả nhà sống ở ngôi biệt thự có tên Hoa Đường nằm cạnh dòng An Cựu… Thì trong bài viết này chúng ta biết thêm về những người bên cạnh ông. Vợ ông là Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết sinh năm 1936. Tác giả cuốn “Giáo dục mầm non - những vấn đề lý luận và thực tiễn” (NXB Đại học Sư phạm, 2006) trong đó có phần III, một chương dài về gia đình và trẻ thơ đề cập đến vấn đề giáo dục truyền thống và vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ thơ. Bà là người đặt nền móng khoa Giáo dục mầm non ở nước ta. Năm 1979, bà bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (sau này là Tiến sĩ). Bà có thời gian tu học ở nước ngoài.

Để biết thêm về bà, chúng ta quay ngược lại dòng thời gian: Ngày đó cuộc cải cách giáo dục đang tiến hành một cách cấp bách, sôi nổi và toàn diện, với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã để nhiều tâm huyết chăm lo cho khu vực đào tạo các cô giáo mẫu giáo có trình độ sư phạm. Bà Bình rất quyết tâm trong việc thành lập khoa Mẫu giáo (nay là khoa Giáo dục mầm non), đặt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược con người đối với trẻ em ngay từ thuở lọt lòng - chăm sóc và giáo dục trẻ em từ 0 đến 6 tuổi theo khoa học…

Đó là một vấn đề rất mới, và một khoa mới ra đời, chưa hề có trong các trường đại học sư phạm nước ta. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cử Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết là Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học nhân cách, khoa Tâm lý - Giáo dục của trường (lúc bấy giờ) làm trưởng ban trù bị.

Nhân sự lúc đó chỉ có 4 người: Phó Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết cùng với 2 cán bộ của khoa Tâm lý - Giáo dục là Đặng Trí Dũng, Trịnh Dân và một chuyên viên của Cục Đào tạo - Bồi dưỡng của Bộ Giáo dục là Lê Thị Ninh. Đến năm 1983, có thêm một số sinh viên mới tốt nghiệp bằng đỏ về giáo dục tiền học đường từ Liên Xô...

Sau 5 năm thai nghén công phu, vất vả, khoa Mẫu giáo của Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội đã khai giảng vào ngày 22/11/1985, do Phó Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết làm chủ nhiệm khoa. Năm học 1985 - 1986, mở ra một thời kỳ mới mang dấu ấn lịch sử đối với sự nghiệp đào tạo giáo viên mầm non có trình độ đại học mẫu giáo đầu tiên ở nước ta.

Không chỉ giảng dạy, quản lý khoa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết còn viết sách, để lại nhiều tác phẩm lý thuyết ứng dụng và nghiên cứu về giáo dục. Bà mất năm 2009.

Phạm Hồng Tuyến, cô út, vừa mới về hưu năm ngoái. Hát hay, ngoại hình đẹp, tính nết dễ gần, Phạm Hồng Tuyến tự gọi mình là “cô Đỏ”, vì hay mặc thời trang gam đỏ, nụ cười truyền cảm hứng và nhất là lúc nào phong thái cũng… rất trẻ, giàu năng lượng tích cực. Nét trẻ của một ca sĩ hát bài hát thiếu nhi. Trước khi nghỉ hưu cô là Trưởng phòng Tương tác nội dung của VTV6. Và trước đó nữa Tuyến tu nghiệp ở Nga. Trước khi đi Nga, Tuyến thường được mời hát ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Hết thời gian hát cho tuổi mẫu giáo của cha mình, sang thời cấp I, Phạm Hồng Tuyến chuyển sang đọc truyện thiếu nhi cho Đài.

Tuyến có giọng đọc hay, đặc biệt là hát hay, nhạc cảm tốt - những thứ trời cho, bên cạnh sự nỗ lực học tập, rèn luyện để không chỉ là một ca sĩ thực thụ mà là người am hiểu nhiều trong lĩnh vực âm nhạc, sáng tạo và sản xuất chương trình. Cô gắn bó với Đài Truyền hình Việt Nam từ những năm 1990, gắn bó với Chương trình “Bông hoa nhỏ” nổi tiếng một thời và làm Trưởng phòng thiếu nhi của Đài Truyền hình Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Sống trong gia đình trí thức, thấm đẫm tình thương yêu của cha mẹ, thừa hưởng gene âm nhạc của bố, sự năng động và nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý giáo dục của mẹ, Phạm Hồng Tuyến trở thành một nhà báo, một người giỏi tiếng Nga, hát nhiều bài hát của Nga rất thành công. Gần đây còn hé lộ khả năng văn học.

Tuyến vừa cho ra mắt cuốn “Hồi ức tuổi thơ” với 2 lần xuất bản, mỗi lần có lượng bản in không nhỏ. “Hồi ức tuổi thơ” của Phạm Hồng Tuyến có lối viết giản dị, mạch lạc và hóm hỉnh tác giả đưa người đọc về với một giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt là Hà Nội thời chiến tranh, sơ tán, bao cấp… Nhiều chi tiết độc đáo khiến những ai đã sống ở thời đó, thời chỉ giấc mơ là có thật khi đọc đều xúc động.

Trong cuốn “Hồi ức tuổi thơ” với sự thông minh vốn có, lại thêm trí nhớ tốt, cộng với 2 cuốn sổ ghi chép của nhạc sĩ, bắt đầu từ năm 1970, Phạm Hồng Tuyến “vẽ lại bức tranh” đời mình từ lúc 4 tuổi đến 50 năm sau đó. Cuốn sách đã kể lại câu chuyện vô cùng xúc động, cho người đọc hiểu được hành trình sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Tuyên, sự ra đời từng bài hát đã in đậm trong tâm trí bao người.

Lần xuất bản thứ 2 của “Hồi ức tuổi thơ” còn cho người đọc được thưởng thức ngay bài hát đó trong từng bài dẫn. Người đọc chỉ cần quét mã QR gắn ngay trên trang là nghe được giọng hát của Tuyến (với bản gốc hòa âm và thu thanh của VOV qua từng giai đoạn lịch sử).

Phạm Hồng Tuyến cho rằng cô là đứa con hạnh phúc khi được giữ gìn gia sản tinh thần của gia tộc, gia đình. Cô coi những cuốn nhật ký cha cho, những tư liệu và tác phẩm văn xuôi mang phẩm tính nghiên cứu tâm lý giáo dục, giáo khoa cho tuổi thơ của mẹ là những món quà vô giá. Món quà giúp cho cô định hướng nghề nghiệp, là hành trang không thể thiếu trong công việc gắn bó với trẻ em, với sự nghiệp làm người của chính mình, và cũng là thứ làm nên nghề “gia truyền” mà cô được thừa hưởng.

Song, cuốn “Hồi ức tuổi thơ” mới là khúc dạo đầu trong việc đưa di sản có giá trị của gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Ánh Tuyết đến với công chúng… Phạm Hồng Tuyến cho biết cô sẽ lần lượt công bố, xuất bản những cuốn sách có ý nghĩa đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện chưa kể về gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên