Chuyên gia nói gì về nguy cơ 'mất việc' trước cơn bão AI?

Nguyễn Hoài (thực hiện) 25/02/2023 08:00

ChatGPT đang khiến cho hàng triệu người trên khắp thế giới kinh ngạc bởi sức mạnh của trí tuệ nhân tạo. Chatbot này ra đời cũng đang dấy lên lo ngại một số ngành nghề sẽ trở nên lỗi thời và dần bị thay thế khi AI ngày càng tiến bộ.

PV Đại Đoàn Kết Online có cuộc trao đổi với TS Đoàn Trung Sơn – chuyên gia An ninh mạng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa về yêu cầu dịch chuyển trong giáo dục đại học và xu hướng việc làm trong tương lai trong bối cảnh phát triển của trí tuệ nhân tạo.

TS Đoàn Trung Sơn – chuyên gia An ninh mạng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa.

Phóng viên:Mùa tuyển sinh 2023, nhiều trường đại học mở thêm ngành đào tạo mới gắn với công nghệ số, trong đó có một số trường không phải là thế mạnh đào tạo về công nghệ thông tin. Ông nhìn nhận thế nào về xu thế này, thưa ông?

TS Đoàn Trung Sơn: Chúng ta đang sống trong thế giới mà ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ở khắp mọi nơi và nó đang điều chỉnh hành vi của mọi người thông qua các thiết bị phương tiện mà chúng ta sử dụng và tham gia. Thực tế con người đang bị tri phối bởi trí tuệ nhân tạo ở tất cả các góc cạnh của cuộc sống, kể cả khi sử dụng Facebook, Tiktok, Youtuhe hay trong đời sống hàng ngày bất kỳ chỗ nào cũng có sự vào cuộc của trí tuệ nhân tạo như camera giám sát, ô tô... Chúng ta có thể chưa nhận thấy được hết nhưng thực ra trí tuệ nhân tạo đã đi vào rất sâu trong cuộc sống hiện tại.

Nhiều người cho rằng trí tuệ nhân tạo chỉ dành cho các trường khối kỹ thuật nhưng hiện nay đúng là một số trường khối kinh tế cũng đã hướng tới đưa khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo vào trong quá trình giảng dạy đại học. Không phải ngẫu nhiên mà các trường làm như vậy bởi thực chất trí tuệ nhân tạo là môn khoa học liên ngành có thể ứng dụng tất cả các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, chứ không phải thuần túy đóng khung trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tôi cho rằng đây là cơ hội đột phá trong lĩnh vực đào tạo đại học.

TS Đoàn Trung Sơn hướng dẫn sinh viên trong giờ học.

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là khả năng thông minh của ChatGPT cũng đang dấy lên nhiều lo ngại trong lĩnh vực giáo dục. Những ngày qua câu chuyện về sử dụng ChatGPT trong trường học có nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông thì sao?

- Khi một công cụ mới ra đời thì mọi người sẽ có tâm lý thận trọng, lo lắng và đặt ra câu hỏi: Có nên cấm nó hay thích nghi với nó? Quan điểm của tôi là chúng ta nên tận dụng công nghệ để tạo ra đột phá góp phần phát triển đất nước thay vì cấm một sản phẩm công nghệ tốt như thế.

Có lẽ từ trước tới nay chưa có con chatbot nào có khả năng như ChatGPT. Chính vì vậy nó có thể thay thế con người làm nhiều thứ nhưng phải khẳng định rằng, nó không thể thay thế con người. Bởi ChatGPT bản chất là một cỗ máy tổng hợp kiến thức có sẵn của con người. Nó không có khả năng tạo ra các sản phẩm mang tính sáng tạo về tri thức, không có tính phản biện người dùng. Trong khi ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tính phản biện rất quan trọng trong giai đoạn đổi mới chứ không chỉ cố định đóng khung khối tri thức đó.

Tôi được biết, ở một số nước đã trang bị cho đội ngũ giáo viên kiến thức để đối phó với các chatbot như vậy và chúng ta sắp tới cũng nên mở các khóa đào tạo cho giáo viên để thay đổi phương thức dạy và học cũng như đánh giá người học, tận dụng ChatGPT trong việc giảng dạy. Chúng ta nên tôn trọng con chatbot này, tôn trọng sản phẩm công nghệ, thúc đẩy công nghệ để đạt tới mục tiêu mong muốn.

Theo TS Sơn, ChatGPT là cơ sở để chúng ta hiểu ra rằng AI tạo ra khả năng vượt bậc nhưng tất cả các hệ thống vẫn cần con người vận hành, kể cả ChatGPT.

Ông khẳng định rằng ChatGPT không thể thay thế con người nhưng chatbot này đang được nhiều chuyên gia nhận định có thể thay thế một số lực lượng lao động và nhiều ngành nghề tới đây sẽ trở nên lỗi thời. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Nhận định này đúng nhưng chưa đủ. Tôi được biết, ở Trung Quốc đã có những nhà máy vận hành hoàn toàn 100% không có công nhân, chỉ có đầu vào là nguyên liệu và đầu ra là sản phẩm. Tức là tất cả mọi thứ được vận hành tự động hoá 100%. Không chỉ có những ngành nghề đơn giản, thậm chí gần đây nhất, cũng ở Trung Quốc, có một con robot cũng được đề bạt lên vị trí quản lý. Nói như vậy để thấy rằng, công việc trí óc cũng có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.

Thực tế, ChatGPT là cơ sở để chúng ta hiểu ra rằng AI tạo ra khả năng vượt bậc nhưng tất cả các hệ thống vẫn cần con người vận hành, kể cả ChatGPT. Chatbot này vẫn cần có người đặt câu hỏi. Vấn đề đặt ra là khi ta đặt câu hỏi cho ChatGPT trả lời thì người vận hành hệ thống đó phải có trình độ kiến thức rộng hơn.

Trong tương lai, những ngành nghề liên quan tới tổng hợp tri thức ở một mức độ nào đấy có thể bị thay thế hoặc giảm số lượng trong thời gian tới. Ví dụ, trong ngành giáo dục, việc dạy và học trong bối cảnh ChatGPT sẽ buộc phải thay đổi. Mỗi học sinh bây giờ có người bạn đồng hành là ChatGPT chia sẻ, giải quyết tất cả các vấn đề, thậm chí là những vấn đề không thể nói được với ai và tiếp nhận thông tin 1 cách độc lập và cá nhân hóa. Chính điều đấy buộc phương pháp giảng dạy của người thầy sẽ phải khác, không phải là truyền thụ kiến thức mà người thầy chỉ là người hướng dẫn và kiểm soát quá trình học tập của sinh viên và đánh giá tốt nhất quá trình phát triển về mặt tri thức của sinh viên.

Đúng là trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra tri thức nhưng chỉ dựa trên tri thức của nhân loại có sẵn chứ không tạo ra tri thức mới. Như tôi chia sẻ ở trên, đã có con robot được để bạt ở vị trí quản lý nhưng nó chỉ thay thế con người trong một phạm vi, giới hạn nào đấy. Dù AI, ChaGPT rất thông minh nhưng cũng không thể loại bỏ vị trí, vai trò của con người. Trong tương lai sẽ có ngành nghề bị mất đi và cũng sẽ có ngành nghề tạo ra, đặc biệt là những ngành nghề liên quan tới phân tích và xử lý dữ liệu để thay thế cho những ngành nghề bị biến mất.

Thực tế, Việt Nam đang thiếu người thầy giỏi về trí tuệ nhân tạo. Câu chuyện về “chảy máu chất xám” đã được bàn tới nhiều. Không ít sinh viên Việt Nam sang nước ngoài học tập và định cư, làm việc tại nước bạn. Theo ông, chúng ta nên có chính sách gì để thu hút người tài?

Tôi cho rằng trong một thế giới mở, câu chuyện không chỉ đóng khung trong một phạm vi địa lý nào. Chúng ta nên có góc nhìn mở về việc sử dụng con người, phải thu hút họ về nước hay ngồi vào một vị trí vật lý gắn với một cơ sở cụ thể nào đấy mà tốt hơn là nên tận dụng tri thức nhân loại để phát huy những lợi thế trong công việc liên quan tới lĩnh vực này.

Nghiên cứu khoa học cần phải có môi trường, không gian và động lực để họ phát huy tốt nhất năng lực của bản thân. Và câu chuyện của ngày hôm nay là câu chuyện không biên giới, của tri thức nhân loại. Người tài làm ở đâu cũng được, quan trọng nhất là họ tạo ra tri thức nhân loại và sau này tri thức đó phục vụ cho nhân loại, góp phần tạo “tài sản”, thương hiệu Việt Nam. Đó là quan điểm cá nhân tôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia nói gì về nguy cơ 'mất việc' trước cơn bão AI?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO