Ðược hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo, người già yếu, neo đơn được tình nguyện viên đến nhà chăm sóc, được khám bệnh miễn phí, được giúp đỡ khi ốm đau, hoạn nạn, được tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao,… là những hoạt động thiết thực, đầy tính nhân văn của mô hình câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau.
Cũng nhờ có mô hình này hàng nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS) đã có cuộc sống ấm no khi về già.
Người cao tuổi tham gia sinh hoạt CLB liên thế hệ tự giúp nhau.
Tự mình vươn lên thoát nghèo
Năm 2010 với sự trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi (NCT) Quốc tế và sự tài trợ của một số dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi và một số tổ chức khác đã phối hợp với chính quyền một số địa phương xây dựng thí điểm CLB liên thế hệ tự giúp nhau.
Mỗi CLB được hỗ trợ ban đầu số tiền hoặc hiện vật trị giá từ 50-100 triệu đồng để làm quỹ cho các thành viên vay tăng thu nhập, với lãi suất tối đa là 1%/ tháng. Toàn bộ số tiền lãi được nộp trở lại vào quỹ này để duy trì các hoạt động chung.
Với 434 CLB, ở 304 xã, phường, thị trấn, bao gồm 23.464 thành viên, trong đó hơn 71% là NCT, 64% thuộc diện nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, Thanh Hóa là tỉnh đi đầu trong việc thành lập CLB và duy trì hoạt động hiệu quả.
Gia đình thuộc diện nghèo bà Trần Thị Tâm ở xóm 1, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) được CLB cho vay vốn 5 triệu đồng, được hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn vay ban đầu, gia đình bà đã có được đàn gia súc, gia cầm, ao cá, cho thu nhập ổn định. Từ một hộ gia đình trong diện nghèo nhờ sự hỗ trợ về vốn cùng kỹ năng chăn nuôi đến nay gia đình bà Tâm đã thoát nghèo bền vững.
“Tham gia CLB tôi đã có cuộc sống ấm no hơn không phải no đói nữa. Bên cạnh đó còn được khám sức khỏe định kỳ, lập sổ theo dõi sức khỏe, được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tập dưỡng sinh, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham quan du lịch”- bà Tâm phấn khởi chia sẻ.
Không chỉ bà Tâm, nhờ tham gia CLB rất nhiều hộ dân xã Dân Quyền có cuộc sống ổn định, đặc biệt thông qua hoạt động CLB, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lan tỏa và phát triển rộng khắp.
Theo thống kê hiện CLB có 60 thành viên, trong đó phần lớn là nữ, có độ tuổi từ 60 trở lên, 20 thành viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Từ nguồn vốn ban đầu được hỗ trợ là 100 triệu đồng, CLB tổ chức cho các thành viên vay vốn xoay vòng, từ 3 đến 5 triệu đồng/người/lần để hỗ trợ làm ăn, tăng thu nhập.
Ðến nay cả 7 hộ nghèo trong CLB đều đã thoát nghèo, nguồn vốn vay của CLB không những được duy trì mà còn tăng lên 133 triệu đồng.
Cần nhân rộng
Kết quả nghiên cứu đánh giá về tác động của CLB liên thế hệ tự giúp nhau của Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, CLB là mô hình có tác động toàn diện tới NCT và cộng đồng.
Cụ thể là: thành viên được vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, có thể tăng 50% thu nhập sau 3 năm, góp phần giảm nghèo cho NCT và gia đình.
Sức khỏe của thành viên tốt lên do rèn luyện và có kiến thức tự chăm sóc. Ðời sống tinh thần được nâng cao, có cơ hội giao lưu, nâng cao nhận thức.
Thúc đẩy sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, các thế hệ, giữa người khó khăn và không khó khăn; gắn kết tình làng nghĩa xóm, thúc đẩy các phong trào tại cộng đồng và thực hiện tốt luật pháp, chính sách về NCT.
Thực tế nhận thấy hiệu quả của mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau đem lại tại Quyết định số 1781/QÐ-TTg, ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên ở nước ta, mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau đã được đưa vào thành một chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020.
Đặc biệt, ngày 2/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1533/QÐ-TTg, phê duyệt Ðề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020.
Ðề án đặt chỉ tiêu đến năm 2020, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 3.200 CLB ở ít nhất 45 tỉnh, thành phố (có ít nhất 100.000 thành viên, trong đó có 65.000 NCT tham gia).
Tuy nhiên, đến nay việc nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau vẫn còn chậm. Hiện mới có 18 tỉnh triển khai được hơn 1.000 CLB, tập trung nhiều ở một số tỉnh được các tổ chức quốc tế tài trợ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Nguyên.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền- chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: CLB liên thế hệ tự giúp nhau là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, tập hợp nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi, trong đó phần lớn là người cao tuổi, người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ.
CLB hoạt động với tinh thần người đi trước làm điểm tựa cho thế hệ đi sau, người giàu giúp đỡ người nghèo, tương trợ lẫn nhau nhằm cải thiện cuộc sống.
Chính vì vậy rất cần nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Để làm được điều này trước hết cần thiết phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể tạo điều kiện cho việc nhân rộng mô hình này.
Trong đó, vai trò của Hội NCT làm nòng cốt trong việc xây dựng tư tưởng, quyết tâm của cán bộ, hội viên và NCT.
Đặc biệt phải có sự hỗ trợ về nguồn vốn của Chương trình quốc gia bởi hiện nay nếu chỉ dựa vào nguồn vốn huy động của các thành viên thì mỗi CLB chỉ có từ 10 đến 30 triệu đồng, số tiền này rất khó để các hội viên hoạt động hiệu quả.