Năm 2018, hoạt động cổ phần hóa được dự kiến sẽ phải tăng tốc và đạt kết quả tốt hơn. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam đang tăng cao. Đây cũng chính là cơ hội cho cổ phần hóa trong năm 2018. Ông Đặng Quyết Tiến- cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp có cuộc trao đổi với PV Đại Đoàn Kết.
Ông Đặng Quyết Tiến.
PV: Ông có thể nhận xét khái quát quá trình cổ phần hóa năm 2017 và đưa ra một vài tên doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa trong năm 2018?
Ông Đặng Quyết Tiến: Năm 2017, kết quả quan trọng đạt được là sự thay đổi về chất. Lần đầu tiên, Chính phủ công khai danh mục cổ phần hóa, thoái vốn, tỷ lệ cổ phần hóa (CPH) từng doanh nghiệp (DN), từng năm, để nhà đầu tư và thị trường xem xét lựa chọn, tham gia.
Với những văn bản như Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Công văn 991/TTg - ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định 1001 QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020…, thông tin liên quan đến cổ phần hóa đã được công khai, minh bạch.
Trong năm 2018, một số tên tuổi lớn sẽ có mặt như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil),..Trong số trên, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo dự tính có quy mô vốn là 150.000 tỷ đồng. Một nguồn cung lớn sẽ được tung ra thị trường và những thương vụ này cần phân bổ, làm đều cả năm.
Nhiều DNNN thua lỗ lớn giai đoạn trước và đang phải xử lý hậu quả. Vậy cơ chế giám sát hiện nay có gì thay đổi không, thưa ông ?
- Hoạt động của DNNN giai đoạn trước thực hiện theo Luật DNNN 2003, cho phép DN được kinh doanh đa ngành đa nghề, thành lập các công ty con cấp 2 cấp 3. Chính vì thế đã tạo quyền tự chủ cao hơn cho hội đồng quản trị, được quyết định các vấn đề và tự chịu trách nhiệm, không phải báo cáo bộ chủ quản. Những vấn đề lớn thì báo cáo trực tiếp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, cho nên không phát huy được cơ chế giám sát, cảnh báo.
Sau đó, Chính phủ ban hành các Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; Luật Quản lý vốn DNNN, Nghị định 61/2013/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản nên công tác giám sát hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước đã gồm nhiều cấp, chặt chẽ, bài bản hơn, có sự trao đổi giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra và bộ, ngành, góp phần chấn chỉnh, phát hiện lỗ hổng sai phạm.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giám sát từ kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư thành lập công ty, thậm chí còn xếp loại cán bộ của DN. Vì thế, gần đây đã kịp thời hạn chế, ngăn chặn đầu tư không đúng, không hiệu quả, chấm dứt việc đầu tư đa ngành, tập trung vào tái cơ cấu, sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty trong nước, đẩy mạnh CPH, thoái vốn..
Năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp cao su sẽ cổ phần hóa.
Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ CPH 64 DN; trong đó có hàng loạt DN lớn. Cộng với số còn lại của kế hoạch năm 2017 chuyển sang, điều này có làm sức ép CPH năm tới không, thưa ông?
- Kế hoạch CPH đã được công bố công khai từ giữa năm nay, các bộ ngành địa phương có 6 tháng để chuẩn bị nên không có lý do gì để chậm. Nơi nào làm chậm, phải có nguyên nhân cụ thể, kiểm điểm trách nhiệm người làm chậm.
Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì danh sách, tiến độ DN cổ phần hóa lần đầu tiên được công khai trên mạng. Một DN khi CPH phải đăng ký các bước thực hiện để cơ quan quản lý, người dân giám sát, cũng là để thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo DN đối với đồng vốn Nhà nước giao. Năm 2018, hoạt động cổ phần hóa được dự kiến sẽ phải tăng tốc và đạt kết quả tốt hơn. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam đang tăng cao. Đây cũng chính là cơ hội cho CPH trong năm 2018.
Bên cạnh đó, Nghị định 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2018 sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề về thủ tục, kỹ thuật, đảm bảo nguyên tắc thị trường minh bạch. Ví dụ như quy định rõ về đất đai khi CPH, nếu Nhà nước không dùng thì trả lại cho địa phương để đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất đai sẽ không tìm cách để tham gia, nhường sân cho các nhà đầu tư tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng. Nghị định này cũng cho phép các nhà đầu tư đưa tư vấn nước ngoài vào đánh giá DN, rất công khai, minh bạch…
Nhiệm vụ CPH đã được giao cụ thể, nhưng áp lực, chế tài với DN thực hiện CPH đã đủ mạnh hay chưa, thưa ông?
- Đến nay, các thể chế, chế tài quy định đã đầy đủ, song hành cùng hệ thống khuôn khổ pháp lý và sự hỗ trợ của hệ thống chính trị. Từ các quy định mới tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định 61/2013/NĐ-CP… quy định rõ cơ chế giám sát tài chính, trách nhiệm giám sát rõ ràng, chặt chẽ, bài bản hơn, với sự trao đổi giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Chủ trương đã rõ, hệ thống pháp lý đầy đủ, nếu tổ chức thực hiện không nghiêm sẽ xử lý người đứng đầu. Như với Tổng công ty cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa qua, mãi không xây dựng xong phương án thoái vốn. Tổng giám đốc Habeco đã phải chịu trách nhiệm riêng việc thoái vốn, nhiệm vụ điều hành DN phải bàn giao cho cấp phó. Đây là một ví dụ cho thấy, khi đã có quy định rõ ràng, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải quyết tâm, làm triệt để hơn. Bên cạnh đó, còn có sự giám sát của thị trường, người dân, báo chí….
Trân trọng cảm ơn ông!