Ngày 9/1,Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành với việc cơ quan nào gây ra oan sai thì phải bồi thường.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, vấn đề khó nhất trong việc giải quyết bồi thường oan sai là định lượng mức độ bồi thường chứ không khó về nguồn vốn. Việc tính những khoản bồi thường, có những khoản đơn giản là tính theo thu nhập tối thiểu nhân với số ngày ngồi tù oan nhưng có những khoản rất lớn không thể định lượng được như ước lượng về thiệt hại danh dự, bồi thường tinh thần.
“Về vấn đề xác định cơ quan bồi thường, cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo nên oan sai thì cơ quan đó phải xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường. Quá trình tạo nên lỗi gây ra trong cả giai đoạn dài, việc cơ quan sau cùng phải xin lỗi là chuẩn nhưng việc quy trách nhiệm phải xử lý theo hệ thống. Sai ở khâu kiểm sát thì phải truy cả trách nhiệm của ông điều tra để cộng đồng trách nhiệm chứ không thể để cảnh các cơ quan “chuyền bóng” cho nhau, cơ quan này đẩy được việc qua cơ quan kia là xong phần mình”- ông Bình cho hay.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng, qua thực tế giải quyết án oan sai có thể thấy vướng mắc nhất chính là căn cứ tính chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường vì không có barem cụ thể nên khi thương lượng bồi thường rất khó khăn. Vì vậy cần đưa vào luật nhưng chi phí cứng như bồi thường về việc mất thu nhập, tính theo số ngày ngồi tù nhưng với những thiệt hại vô hình của người bị oan sai như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc bị mất thì cần có barem tương đối chứ không thể yêu cầu người dân xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh được.
Theo ông Thể, việc quy trách nhiệm đền bù thiệt hại với nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định cuối cùng thì cơ quan đó đứng ra thay mặt Nhà nước thực hiện việc bồi thường nhưng xác định trách nhiệm thì phải xét từ cơ quan đầu tiên trở đi. Không thể để mỗi người cố gắng đá quả bóng khỏi chân mình là xong, ngồi đó cười xem người khác xử lý hậu quả. Chính quy định không ổn đó dẫn đến sự nặng nề trong việc bồi thường oan sai.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, điều cử tri băn khoăn nhất là lấy tiền ở đâu để bồi thường? Thu từ tiền xử phạt các loại hay thuế? Kiểu gì cũng lấy ngân sách nhà nước để bồi thường cho nên cũng nên tách bạch độc lập để dân thấy minh bạch hơn khi không phải lấy từ tiền thuế dân đóng để dành cho nộp phạt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động của cơ quan nhà nước do ngân sách đảm nhiệm, cho nên khi Nhà nước bồi thường oan sai phải lấy từ ngân sách chứ không nên rạch ròi khoản này chi khoản này, khoản khác chi khoản khác. Do đó không nên thành lập quỹ để bồi thường oan sai vì nhiều quỹ quá rồi, mà quỹ cũng chính từ ngân sách. Do đó không nên phân chia thu cái này để chia cho các kia.
“Bồi thường nên lượng hóa nếu không sẽ làm khó cho các cơ quan, gây tranh cãi không có hồi kết. Ví dụ tạm giam ảnh hưởng đến thu nhập phải đền bù, người thu nhập có lương thì tính theo lương, người không có lương thu nhập thì theo mức lương cơ sở. Bồi thường tinh thần có thể chia làm 2 loại, loại nặng thì mức khác, loại nhẹ thì mức khác từ đó nhân theo số ngày bị giam giữ để trả. Ai sai thì phải bồi thường, xin lỗi, chứ không thể đẩy hết cho Tòa án. Như vậy mới là minh bạch”- ông Hiển nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cơ quan nào gây ra oan sai cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường và xin lỗi. “Ví dụ cơ quan điều tra ra kết luận, Viện Kiểm sát thấy sai hủy kết luận đó thì cơ quan điều tra phải bồi hoàn, còn Tòa án hủy quyết định của truy tố của Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát phải bồi hoàn, còn Tòa án đã xử rồi mà Tòa phúc thẩm ra quyết định hủy phán quyết của tòa thì tòa phải bồi thường”- ông Lưu phân tích.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý ngoại thương.