Già làng Hồ Ai, đồng bào Bru - Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), được ví là “cội lim già”, người giữ “hồn” của núi rừng Trường Sơn. Không chỉ gìn giữ, trao truyền những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Bru - Vân Kiều, ông còn là “cầu nối” tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu…
Năm nay, đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng già làng Hồ Ai vẫn miệt mài với công việc khôi phục và lưu truyền bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bru -Vân Kiều. Mỗi khi rảnh rỗi, bên mái nhà sàn, già làng Hồ Ai với chiếc sáo Khơ-lui quen thuộc vừa thổi sáo vừa hát. Trong giọng hát của già có thanh âm của núi rừng hoang dã với cuộc sống phóng khoáng; có âm thanh trong trẻo như dòng chảy của thượng nguồn dòng Đại Giang, khiến người nghe có cảm tưởng như tất cả những gì của đại ngàn Trường Sơn đều hòa quyện trong giọng hát của người già làng này.
Cùng với trưởng bản, già làng Hồ Ai kiên trì nhắc nhở người dân trong bản chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn trật tự; đến mùa nương rẫy, già lại đốc thúc mọi người đi làm rẫy, làm đất, chuẩn bị hạt giống để gieo trồng. Khi bản Khe Cát tổ chức lễ Lấp lỗ gieo hạt giống, lễ Mừng lúa mới khi thóc lúa được gặt về hay Đám chay khi trong bản có người mất... Già làng Hồ Ai được mọi người tín nhiệm bầu làm chủ lễ. Ông là người đứng ra triệu tập người dân trong bản cùng đóng góp và tham gia vào buổi lễ; đồng thời thay mặt dân bản gửi ý nguyện lên các đấng thần linh.
Trong lớp người già đồng bào Bru-Vân Kiều hiện nay ở xã Trường Sơn, già làng Hồ Ai là người tài hoa nhất trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, như: Chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, đàn pơ-lựa, đàn tính-tùng… và nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều. Ghi nhận sự cống hiến của ông, năm 2018, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã vinh danh công nhận ông Hồ Ai là nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực hát dân ca và sử dụng nhạc cụ Vân Kiều.
Nhiều năm qua, già Hồ Ai rất cố gắng khôi phục và lưu truyền bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều. Tiếng sáo và tiếng hát của già đã đi biểu diễn ở nhiều nơi và tham dự nhiều liên hoan khác nhau. Đặc biệt, già làng Hồ Ai được mời tham gia lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều cho các thế hệ trẻ trên địa bàn và các em học sinh đồng bào Bru-Vân Kiều tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trường Sơn với mục tiêu phục hồi các giá trị nghệ thuật truyền thống.
Già làng Hồ Ai chia sẻ, với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải khơi dậy cho lớp trẻ niềm tự hào về văn hóa truyền thống bao đời mà tổ tiên đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đã lưu giữ, phát triển. Sắp tới, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bà con trong bản cách chế tác đàn, đẽo tượng gỗ, đan gùi… để tạo thêm thu nhập và để lớp trẻ có niềm đam mê học hỏi, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Bru-Vân Kiều trên dãy Trường Sơn.
Hiểu sâu sắc văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều, già làng Hồ Ai là “cầu nối” linh thiêng giữa các đấng thần linh và bà con dân bản khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, cộng đồng. Vì vậy, bà con luôn dành những lời kính trọng khi nói về già làng Hồ Ai. Họ đều coi già Hồ Ai như linh hồn của đồng bào Bru-Vân Kiều, người gìn giữ truyền thống và văn hóa của người Bru-Vân Kiều cho đến tận ngày hôm nay.
Ông Hoàng Trọng Đức - Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, già làng Hồ Ai cùng với các nghệ nhân cao tuổi khác là những “cội lim già” nắm giữ các tinh hoa văn hóa phi vật thể của đồng bào Bru-Vân Kiều ở địa phương. Riêng với già làng Hồ Ai, ông là người có công lớn trong việc gìn giữ trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn.