Đến vùng núi cao phía Bắc, không ai không thích thú khi đứng trước những cọn nước, nhìn vòng xoay tự nhiên đem đến nguồn nước mát lành cho con người. Những chiếc cọn miệt mài suốt ngày đêm, nhẫn nại đưa nước về bản, về những cánh đồng.
Những đứa trẻ bên cọn nước.
Đồng bào Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao được coi là những người làm cọn nước rất giỏi, với những cọn nước to, bền bỉ và hiệu quả. Trước kia, bản nào cũng có cọn nước bởi bản nào cũng ở gần suối. Việc đưa nước suối về bản, về ruộng đồng là rất khó khăn, sức người có quần quật ngày đêm cũng không xuể, vì thế, cọn nước đóng vai trò to lớn trong cuộc sống người dân.
Ở tỉnh Hòa Bình, trước kia khi chưa có những máy bơm nước nhỏ thì có rất nhiều cọn nước. Cũng thật tài tình khi những chiếc cọn đó có thể đưa nước lên cao tới 8 mét, hơn chiều cao của ngôi nhà 2 tầng. Cọn nước thay sức người, cọn nước giải phóng cho con người, chính vì thế nó rất được coi trọng.
Người dân rất tôn trọng những cọn nước, nó không bao giờ bị phá một cách có ý thức hoặc vô ý thức. Hàng năm, mỗi khi chuẩn bị vào mùa vụ mới, người ta lại tu bổ lại cọn nước cho thêm phần chắc chắn. Vì thế, dù dãi nắng dầm mưa giữa đất trời nhưng cọn nước không bị hư hỏng. Cọn nước “vận hành” không có mùa, mà ròng rã quanh năm ngày tháng.
Cọn nước được làm từ vật liệu tự nhiên, nhưng cách làm nó rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi tay nghề cao của những người thợ. Vật liệu thì lấy từ rừng, quan trọng hàng đầu là phải chọn được một thanh gỗ thẳng có khả năng chịu nước tốt để làm trục giữa của cọn. Sau đó là đến những cây vầu già thân thẳng, nhỏ làm nang cọn.
Tùy kích thước của cọn mà lựa số nang và độ dài, ngắn của nang cho phù hợp. Một chiếc cọn trung bình có từ 36 đến 40 nang, mỗi nang dài chừng 1 đến 1,5 mét. Với cánh quạt của cọn, người ta thường dùng nứa, còn thì những cây vầu già nhỏ và dài sẽ được dùng để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi quay.
Như vậy, một cọn nước gồm 3 thành phần chính là trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Cọn nước phải chắc chắn nhưng cũng phải nhẹ, để dễ dàng chuyển đi nơi khác phù hợp hơn để lắp đặt lại. Cọn cũng phải được tính toán sao cho thật cân đối để có thể quay đều và tải nước tốt. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất trong việc làm cọn là việc đặt và bố trí những ống đựng nước.
Cọn nước ở Bản Bo (huyện Tam Đường, Lai Châu).
Thông thường mỗi ống đựng nước được buộc kèm và chéo theo mỗi cánh quạt nước. Người ta phải bố trí độ dày mỏng và đặt những ống nước ra sao để khi cọn quay, nước sẽ được múc đầy ống và đổ đúng máng dẫn nước, vừa hiệu quả lại khiến cho cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước quay. Điều đó đòi hỏi người thợ làm cọn phải rất tỉ mỉ, tính toán chính xác.
Nói như nhà nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ Sầm Văn Bình thì những vòng xoay của cọn nước chứa đựng bao tìm tòi, trăn trở, gửi gắm bao ước vọng đổi đời. Nếu công cụ bằng đồng ra đời gắn với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng thì cọn nước chính là chứng nhân của văn minh lúa nước ở vùng núi.
Cọn chính là một nét bản sắc văn hoá của đồng bào miền núi phía Bắc. “Bên chiếc cọn thân thương, đã có bao đôi lứa nên vợ nên chồng sau những đêm trăng hẹn hò. Cọn cũng là nút thắt sợi tình đoàn kết bản trên, làng dưới thêm thắm đượm. Mỗi khi mùa vụ đến, bà con lại gọi nhau ra suối dựng cọn dẫn nước về”- ông Bình viết.
Cọn nước không ầm ầm tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm, nhưng giá trị của nó thì không hề thua kém. Cọn nước chính là những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như một “động cơ vĩnh cửu”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, ở đồng bằng không có những suối nguồn liên tục, việc dùng guồng nước không thích hợp, mặc dù phải tát nước bằng gầu dai và gầu sòng vất vả hơn nhiều. Người Thái và người Mường khi ở đâu việc đầu tiên là chọn những địa thế có thung lũng rộng, xung quanh là núi tiện cho việc canh tác lớn, và dẫn nước từ núi về bản và từ suối vào ruộng. Tùy theo dòng chảy và yêu cầu lấy nước, người ta sẽ đặt nhiều hay ít các guồng liên tục, có những bãi guồng có đến vài chục cái lớn nhỏ. Guồng nhỏ thì đường kính 2,5 mét, lớn thì đường kính tới 7 - 8 mét, nó chính là biểu hiện của văn minh nông nghiệp của một thời.
Tới nay, người giỏi nghề làm cọn nước không còn nhiều. Ở miền núi phía Tây Nghệ An (huyện Con Cuông), người ta biết đến ông Lê Văn Tấm, nhà ở bản Mét, xã Bình Chuẩn. Ông được nhân dân trong vùng gọi là “nghệ nhân cọn nước”, có người lại gọi ông là “chuyên gia cọn nước”.
Cần cù, nhẫn nại quanh năm suốt tháng, cọn mang lại nguồn nước mát lành.
Bà con nói rằng, trong bản cũng có vài ba người làm được cọn nước, nhưng giỏi như ông Tấm thì có thể nói là vô đối. Những chiếc “bánh xe dẫn nước” ấy khi đứng trong dòng suối thì không chỉ làm cái việc dẫn nước mà còn phải đạt đến độ “có hồn” vì nó chính là một nét đẹp văn hóa. Ông Tấm không bao giờ tự hài lòng với cọn nước của mình, mà ông đổ vào đó rất nhiều công sức, tình cảm, cẩn thận từng chi tiết nhỏ nhất. Mỗi cọn nước được ông làm công phu không khác gì dựng một ngôi nhà.
Ông Tấm đã có tới hơn 40 năm làm cọn nước nên kinh nghiệm là rất phong phú, tình cảm theo đó cũng ngày một dày lên. Đã hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn làm cọn, vẫn dọc theo những con suối tìm chỗ đăt cọn. Mỗi cọn nước của ông Tấm phải cần đến chừng 100 cây nứa “đúng phẩm chất” lấy trong rừng. Ông tỉ mỉ chọn từng cây nứa, tỉ mỉ với từng nút thắt..., vì thế mỗi cọn nước của ông đều được ví như một tác phẩm nghệ thuật.
Tới nay, cuộc sống thay đổi, các công cụ máy móc dùng để lấy nước nhiều hơn, thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn. Vì thế, những cọn nước cũng ít dần đi. Nhưng, với những cọn nước còn lại, người ta vẫn thấy ẩn hiện trong đó bóng dáng bản Mường, thấp thoáng tâm hồn, tình cảm và sự chịu thương chịu khó, tính cần cù nhẫn nại của người vùng cao. Vì thế, đứng trước cọn nước, trong lòng không khỏi xao xuyến.