Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của nước ta. Nhưng hiện chưa có chính sách ưu đãi chuyên biệt cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa.
1.Tháng 8 vừa qua, tại nhà ga xe lửa Đà Lạt, Công ty Nghệ thuật số 7 đã cho ra mắt “Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt”. Sự kiện này có sự hiện diện của lãnh đạo UBND Thành phố Đà Lạt, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam. Đây là một trong 3 sáng kiến cấp địa phương nhằm thúc đẩy vai trò của văn hóa sáng tạo, hiện thực hóa các nội dung đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Để có một sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của một địa phương phục vụ cho phát triển bền vững của chính địa phương đó, rất cần có sự công phu nghiên cứu, khảo sát.
Tấm bản đồ được hình thành từ ý tưởng của Công ty Nghệ thuật số 7 với Không gian sáng tạo Phố bên đồi, Giám đốc điều hành là anh Hiền Nguyễn. Anh cùng với đội ngũ của mình dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, sơ đồ hóa, thống kê và phân loại các địa chỉ, địa danh, nơi chốn có dấu ấn đậm nét về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Đà Lạt. Bên cạnh tham khảo các tài liệu chính thống liên quan, nhiều chuyến khảo sát và phỏng vấn nhân sự trong vùng đã giúp nhóm làm việc của Công ty đối chiếu, lọc ra thông tin xác thực về những nét đặc biệt của từng địa chỉ.
Sau nhiều vòng sàng lọc thông tin, tham khảo cách làm của một số nước trên thế giới và có sự cấp phép nội dung của các cơ quan chức năng, 59 điểm đến chính, phụ ở khu vực trung tâm Đà Lạt cùng một số vùng lân cận, được phân loại thành 8 nhóm theo mục đích tham quan, như không gian lịch sử và di sản, thắng cảnh thiên nhiên, không gian trưng bày và địa điểm nghệ thuật, điểm đến âm nhạc và giải trí…
Tấm bản đồ này không chỉ đơn thuần định vị và hướng dẫn mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khéo léo kể câu chuyện của Đà Lạt qua những đường nét và màu sắc, mang đến cho du khách những góc nhìn khác về Đà Lạt, giúp du khách khám phá sự dồi dào giá trị văn hóa sáng tạo của thành phố này.
Đến nay có khoảng hơn 2 vạn bản in Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt được thể hiện bằng song ngữ Việt và Anh trên chất liệu giấy thân thiện với môi trường được phát miễn phí, làm quà tặng trong nhiều sự kiện văn hóa tại thành phố. Định dạng hiện có của Bản đồ là nền tảng cho việc số hóa, tạo ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh, phục vụ tốt hơn cho mỗi cư dân và du khách đến Đà Lạt. Phần tài chính hỗ trợ sản xuất từ chính quyền Đà Lạt dành cho dự án này chiếm chưa đến 10% tổng kinh phí sản xuất.
Bên cạnh niềm vui nho nhỏ ấy, người chủ của dự án Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt cũng bày tỏ nỗi niềm: Đơn vị tư nhân như chúng tôi không thể có nguồn lực tài chính, nhân sự để tiếp tục cung cấp miễn phí những sản phẩm như vậy.
2.Tài nguyên trong lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị. Hiện số lượng doanh nghiệp văn hóa sáng tạo chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, số lượng cơ sở kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa có khoảng 70.321 đơn vị, bao gồm 12 ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa.
Để có một sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của một địa phương phục vụ cho phát triển bền vững của chính địa phương đó, rất cần có sự công phu nghiên cứu, khảo sát điền dã mà khoản kinh phí ban đầu này thường do các doanh nghiệp tự chi trả. Nhưng dòng sản phẩm này không có lợi nhuận nhanh và nếu có thì rất ít ỏi, nên phần lớn các công ty không đầu tư mà dựa vào sản phẩm sẵn có của địa phương để khai thác. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của nước ta. Nhưng hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa.
Vậy mà, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), được Quốc hội thảo luận ngày 29/10 vừa qua, đã bỏ quy định các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa như, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim... được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, nay đề xuất tăng lên mức 10%. Bộ Tài chính và một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng: Chỉ áp dụng mức thuế suất 5% đối với “Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian”, các hoạt động khác tăng lên mức 10%. Vì các loại hình giải trí, nghệ thuật khác đều đã được xã hội hóa và mang tính thị trường cao. Dư luận cho rằng, nếu tăng thế sẽ “khó chồng thêm khó” đối với người làm văn hóa, doanh nghiệp văn hóa.
Hơn lúc nào hết, xây dựng một hệ thống công cụ pháp lý giải quyết các vấn đề còn khúc mắc, như vốn đầu tư ban đầu, quyền sở hữu cũng như định lượng trị giá của các ý tưởng, sáng kiến văn hóa sáng tạo là vô cùng cần thiết.
Điểm nghẽn của ngành văn hóa sáng tạo là các chế định đã cũ kỹ. Gỡ điểm nghẽn đó chỉ có cách, đưa ra các chế định phù hợp với tình hình mới trong xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong, ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đó chính là “bệ đỡ” vững vàng, là cách gia cố nền tảng bền vững cho sự phát triển văn hóa sáng tạo.