Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành động lực, giúp thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Nhưng chủ yếu vẫn là sân chơi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Có thể thấy, sau khi có Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường đối tác thành viên đều tăng. Cho dù Mỹ trước đó đã rút ra khỏi hiệp định này, thì xuất khẩu vào Mỹ vẫn sáng cửa và tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.
Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng vậy, chỉ sau hai năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực, Việt Nam đã thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN. Còn sau 5 tháng thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), xuất khẩu gạo sang thị trường các nước trong khối này đã sắp chạm mốc 1 tỷ USD trong tổng số 1,35 tỷ USD xuất khẩu gạo Việt Nam ra thế giới...
Nói thế để thấy, cánh cửa thị trường thế giới đã rộng mở với Việt Nam. Nhưng bước được qua cánh cửa này để đưa hàng hóa ra thị trường thế giới thì không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng làm được. Trong khi đó, các doanh nghiệp FTA lại tận dụng rất tốt các cơ hội. Con số về tỷ trọng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước lên đến 70% là bằng chứng rõ nét.
Như vậy, nếu như Việt Nam xuất siêu 6 năm liền (2016-2021) nhưng thặng dư lại chủ yếu rới vào doanh nghiệp FDI.
Không thể phủ nhận rằng, các FTA giúp cho cánh cửa thị trường ra nước ngoài rộng mở hơn cho Việt Nam. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, đầu tư nhỏ, không theo được công nghệ thì sản phẩm cũng khó cạnh tranh. Thêm nữa, đó là việc các thị trường mà doanh nghiệp Việt từng coi là dễ tính thì giờ đã không còn dễ nữa. Họ không chỉ yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến cả quy trình sản xuất. Mà điều đó không nhiều doanh nghiệp nội lưu tâm và đầu tư một cách đầy đủ.
Giới chuyên gia cho rằng cho dù các FTA có giúp Việt Nam mở được cánh cửa thị trường thế giới, thì cũng chỉ các doanh nghiệp FDI mới đủ lực để bước qua cánh cửa đó mà thôi. Còn thì doanh nghiệp nội vẫn “lẽo đẽo” phía sau.
Tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi bỗng chốc cộng đồng doanh nghiệp Việt lớn mạnh. Điều đó cần có thời gian. Tuy nhiên, nếu không có tư duy dài hơn, tư duy vươn ra thế giới bằng chính nội lực của mình thì cho dù cánh cửa thị trường toàn cầu có mở rộng cỡ nào đi chăng nữa cũng rất khó bước vào.
Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu người tiêu dùng, nói cách nào đó thì cũng rất “mầu mỡ” cho doanh nghiệp nội. Nhưng khát vọng vươn xa, bay cao cũng rất cần được vun đắp. Nhất là khi Việt Nam đã có trong tay 17 FTA, nếu như chúng ta không tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu thì hàng hóa các đối tác thương mại nước ngoài sẽ lại “thống lĩnh” ngay chính sân nhà của chúng ta.