Với những khó khăn từ đại dịch, các doanh nghiệp (DN) Việt nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng phải khai thác triệt để thị trường từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định như vậy khi trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.
PV:Hiện Việt Nam đã ký kết và triển khai thực thi 15 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Ông đánh giá thế nào về những chính sách dành cho DN nhỏ và vừa tại các FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai thực thi?
TS Tô Hoài Nam: Trong các FTA này, các DN nhỏ và vừa cũng đã được chú trọng và dành ra những điều khoản, cam kết riêng. Vì thế, việc thực thi các cam kết này giúp các DN nhỏ và vừa kỳ vọng có được môi trường kinh doanh phù hợp hơn, tận dụng tốt cơ hội cho hội nhập.
Hơn nữa, nhiều cam kết tại FTA đã phù hợp với quy định pháp luật và chính sách của Việt Nam nên việc triển khai sẽ tương đối dễ dàng và thuận lợi. Chẳng hạn, về vấn đề trợ cấp và hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, Việt Nam đã có nhiều chính sách về hỗ trợ cộng đồng DN này về chi phí đào tạo, nghiên cứu, pháp lý, tiếp thị, xúc tiến thương mại… Các hỗ trợ này đều phù hợp với các quy định và cam kết tại FTA, nên sẽ đáp ứng được yêu cầu về hỗ trợ công tác hội nhập cho khối DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, nhiều quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, hợp tác quốc tế, thương mại, hải quan… cũng đã cơ bản tương thích giữa quy định của pháp luật Việt Nam với các cam kết tại FTA.
Giới chuyên gia cho rằng, cộng đồng DN nhỏ và vừa chiếm tới 96% số DN ở Việt Nam nhưng quy mô, năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu. Vì thế, việc đáp ứng các chính sách dành cho DN nhỏ và vừa trong các FTA còn rất khó khăn?
- Đúng vậy, ngoài ra cộng đồng DN còn khá hạn chế về việc nắm bắt thông tin về các FTA, hiểu biết về pháp luật khi tham gia FTA. Điều này khiến DN khó có thể tận dụng hết cơ hội mà FTA mang lại. Ngoài ra, thách thức lớn nhất hiện tại của DN Việt là khả năng hợp tác với nhau để khai thác tốt thị trường.
Đáng lưu ý, dù các cam kết tại FTA dành cho DN nhỏ và vừa có sự phù hợp cao nhất đi chăng nữa thì vẫn còn rất nhiều “hàng rào” như rào cản về kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ… nên các DN nhỏ và vừa rất khó để đảm bảo tính tuân thủ.
Theo ông, DN cần thay đổi gì để có thể phát huy tối đa được các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do?
- Các DN cần chủ động hơn trong hội nhập quốc tế, trên tinh thần phát huy tính tự cường để vượt qua thách thức, qua đó góp phần thực hiện chuyển đổi môi trường kinh doanh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế và coi đây là cơ hội lớn để huy động vốn đầu tư, kết hợp với việc lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược sản xuất kinh doanh, giúp DN trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, DN quy mô nhỏ và vừa cần tăng cường hợp tác, bằng mọi cách phải tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các DN cũng không nên quá vội vàng, mà phải nghiên cứu kỹ các quy định, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, quan tâm đến quy tắc xuất xứ, lao động, an toàn, môi trường, văn hóa tiêu dùng… để phát triển sản phẩm chất lượng, không gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu. Bên cạnh đó, DN phải chủ động đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Về chính sách, Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng mọi mặt để hút dòng vốn đầu tư, điều chỉnh bổ sung các quy định pháp luật theo hướng nâng quyền sở hữu, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản của cá nhân, DN cao hơn. Về phía Bộ Công thương và Bộ Tài chính, tôi đề xuất 2 Bộ nên nghiên cứu xây dựng chương trình hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ được tiếp cận nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực chuyển đổi số. Vì đây là những vấn đề là DN nhỏ và vừa đang thực sự yếu.
Trân trọng cảm ơn ông!