Trình bày tại tòa, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong tổ 5 bộ, các lãnh đạo Bộ có group Vibe. Với vai trò thư ký, Phạm Trung Kiên không thể “gây ảnh hưởng”, không gây khó khăn, ép buộc các doanh nghiệp đưa tiền.
Sáng ngày 18/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần tranh tụng.
Trong vụ án đang là tâm điểm chú ý của dư luận này, 54 bị cáo bị truy tố ở 4 nhóm tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Môi giới hối lộ”.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án (tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng); bị Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị tuyên án tử hình.
Sau khi VKS đề nghị mức án, gia đình bị cáo Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục. Đồng thời, gia đình đã có đơn gửi Hội đồng xét xử về căn hộ ở Khu đô thị Royal City (Hà Nội) thế chấp, mong muốn được phát mại để bồi thường.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, bị cáo Kiên đã trả lại hơn 12 tỷ đồng, gia đình khắc phục tổng cộng 15 tỷ đồng trong tổng số 42,6 tỷ đồng bị quy kết.
Tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên xác nhận hành vi phạm tội của bị cáo như cáo trạng nêu là đúng. Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng mình không gây khó khăn, ép doanh nghiệp phải đưa tiền; việc đưa bao nhiêu là do doanh nghiệp tự nguyện.
"Trường hợp anh Lê Văn Nghĩa có gọi cho bị cáo sau khi Bộ Y tế ban hành văn bản chấp thuận chuyến bay của Công ty Nhật Minh. Anh Nghĩa gọi, bảo đang ở Khánh Hòa, biết em và Bộ Y tế tạo điều kiện nhưng chưa gặp được, khi nào có chuyến bay nội bộ trong nước sẽ gặp. Một tháng sau, anh Nghĩa gặp, chuyển số tiền như cáo trạng nêu", Kiên dẫn chứng về một số bị cáo trong vụ đưa hối lộ cho mình là tự nguyện.
Cũng theo lời khai của bị cáo Kiên, trường hợp bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh cũng "lên gặp" Kiên sau khi Bộ Y tế chấp thuận Công ty Lữ Hành Việt tổ chức các chuyến bay.
Đáng chú ý, trình bày tại tòa, ông Kiên cho hay: Trong tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông Vận tải), các lãnh đạo Bộ có group Viber.
Ví dụ, khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi các bộ về cấp phép chuyến bay, bị cáo Tô Anh Dũng khi đó là Thứ trưởng hay cấp dưới Đỗ Hoàng Tùng sẽ báo lên group chat, xin ý kiến các chuyến bay, đề nghị sớm gửi lại ý kiến cho Bộ Ngoại giao. Gần ngày phải trả lời, bị cáo Dũng hoặc Tùng sẽ nhắc lại trên group, đề nghị các bộ nào có văn bản thì trả lời.
Với vai trò thư ký, Phạm Trung Kiên cho rằng mình không thể “gây ảnh hưởng”, không gây khó khăn, ép buộc các doanh nghiệp đưa tiền.
“Điều này thể hiện, với công văn chuyến bay combo, bị cáo không có hành động làm chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”, bị cáo Kiên trình bày.
Tại tòa, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ ăn năn hối hận và gửi lời xin lỗi đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về hành vi sai trái của mình, đồng thời mong HĐXX, VKS xem xét lại tội danh, không tuyên án tử hình.
Tiến hành bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo Kiên là có dấu hiệu tội "Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" rõ hơn so với tội "Nhận hối lộ".
Tài liệu liên quan đến quá trình công tác thể hiện, thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo Kiên đang là chuyên viên Vụ Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế. Tháng 2/2019, được biệt phái sang giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế.
Luật sư dẫn chứng, tại Bộ Y tế, căn cứ quy chế, tại thời điểm xảy ra sự việc, Bộ Y tế không có chức danh thư ký cho Thứ trưởng, đến tháng 7/2022, có nội dung đề cập chức danh chuyên viên giúp việc cho Thứ trưởng.
Với Kiên, trong hồ sơ cũng không có quyết định phân công, bổ nhiệm chức danh Thư ký Thứ trưởng cho Kiên, chỉ có phiếu trình làm công tác thư ký. Đến tháng 2/2022, bị cáo Kiên không giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế, chấm dứt việc này không có văn bản, có việc nói bằng miệng là không làm nữa.
Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét yếu tố chủ thể trong cấu thành tội phạm, đánh giá xem Kiên đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu chủ thể của tội "Nhận hối lộ" hay chưa.
Luật sư phân tích, về thẩm quyền quyết định duyệt, ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan. Tài liệu thể hiện, tất cả các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao là Thứ trưởng Bộ Y tế ký, bị cáo Kiên không liên quan đến nội dung ở các văn bản này.
Về quy trình xử lý văn bản đến và đi liên quan chuyến bay combo, luật sư trình bày Bộ Y tế không ban hành quy trình thực hiện công việc này. Qua phân tích, việc xử lý văn bản phải qua nhiều khâu, vai trò của Kiên chỉ là nhận văn bản từ Văn phòng Bộ Y tế, chuyển đến Thứ trưởng Bộ Y tế và ngược lại, các khâu khác không tham gia.
"Do đó bị cáo Kiên không hoàn toàn quyết định việc ký duyệt xử lý nội dung văn bản trả lời Bộ Ngoại giao được mà còn phụ thuộc vào nhiều khâu khác, vì vậy nếu có việc doanh nghiệp phản ánh bị cáo Kiên có vấn đề trong việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao để đòi hỏi phải chi phí là đúng thì hành vi của Kiên cũng không thỏa mãn yếu tố cấu thành hành vi nhận hối lộ", luật sư nêu quan điểm.
Cũng theo vị luật sư, bị cáo Kiên có các tình tiết giảm nhẹ khác như thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, bản thân bị cáo có bằng khen cấp bộ, trong dịch covid-19 có thành tích được tặng bằng khen…
Luật sư cho biết thêm, bản thân bị cáo Kiên mang nhiều bệnh tật, tiền sử gia đình có bệnh tâm thần; bị cáo là lao động chính trong gia đình, các con còn nhỏ, rất cần đến sự chăm sóc, dạy bảo của người cha, bố mẹ 2 bên đều già yếu, sức khỏe kém…
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, khách quan tình tiết vụ án cũng như các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo.