Dù đã có hiệu lực hơn 8 tháng, thế nhưng công văn 142/TNMT-QLSDĐ (công văn 142) hướng dẫn về tách thửa đất trên địa bàn thành phố do Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM ban hành vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn, nhiều quận/huyện lúng túng khi áp dụng trên thực tế.
UBND Q.9 quy định người dân tách thửa phải nâng cấp đường hiện hữu khiến nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc.
Mòn mỏi chờ hồ sơ
Có mặt tại Phòng Quản lý đô thị và Phòng TN-MT của một số quận/huyện trên địa bàn TP HCM, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến bức xúc chung của người dân liên quan đến quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ xin tách thửa đất của người dân tại các địa bàn.
Tại Phòng TN-MT Q.9, gia đình ông Lê Hoàng Minh Phụng, một người dân sống tại ấp Tân Điền, P.Phú Hữu, Q.9 đang chờ làm thủ tục nhà đất cho biết, gia đình ông dành dụm mua được 3 thửa đất thuộc tờ bản đồ 58 (P.Phú Hữu, Quận 9) theo GCNQSDĐ do Sở Tài nguyên môi trường thành phố cấp từ ngày 3/2/2016.
Phần đất của gia đình ông Phụng thuộc khu dân cư hiện hữu và có 3 mặt tiếp giáp đường hiện hữu, bên trong có nhiều hộ dân cùng sử dụng con đường từ lâu nay. Khi có nhu cầu tách thửa đất của gia đình, ông Phụng đã chủ động hiến một phần đất của gia đình nằm trong lộ giới các tuyến đường trên để mở rộng đường mà không yêu cầu bất cứ chi phí bồi thường, hỗ trợ nào.
Với việc làm như vậy, đáng ra UBND Q.9 cần hoan nghênh tạo điều kiện để gia đình ông thực hiện hiến đất mở rộng đường ở khu dân cư.
Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND Q.9 – Hoàng Minh Tuấn Anh lại ký văn bản, trong đó yêu cầu gia đình ông Phụng phải hoàn thiện các thủ tục đầu tư nâng cấp đường giao thông hiện hữu và hệ thống hạ tầng khác mới cho tách thửa.
Việc này khiến cho gia đình ông Phụng đứng trước nguy cơ phải bỏ ra chi phí hàng tỷ đồng cho việc nâng cấp đường theo yêu cầu của UBND Q.9.
“Sau khi tôi khiếu nại thì cán bộ Phòng Quản lý đô thị giải thích với gia đình tôi là căn cứ vào quyết định 33 để UBND Q.9 ra văn bản nêu trên. Thế nhưng, chúng tôi có tìm hiểu quyết định này hoàn toàn không quy định khi tách thửa đất theo đường hiện hữu thì người dân phải thực hiện thủ tục xin phép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như Q.9 yêu cầu nêu trên”, ông Phụng bức xúc.
Việc áp dụng chưa đúng quyết định 33 trong việc yêu cầu người dân phải nâng cấp đường hiện hữu khi làm hồ sơ xin tách thửa cũng đã vấp phải nhiều ý kiến bức xúc của người dân.
Ông Trần Văn Khanh, một người dân ngụ tại P.Phú Hữu, Q.9 cho rằng: Việc yêu cầu nâng cấp đường hiện hữu của UBND Q.9 là hết sức vô lý. Bởi vì, nếu áp dụng quy định này thì chẳng hạn người dân có nhu cầu tách thửa đất tại đường Nguyễn Duy Trinh (tuyến đường hiện hữu nối Q.9 và Q.2) thì Q.9 cũng bắt người dân phải nâng cấp một đoạn hoặc cả tuyến này hay sao?
Luật sư Phùng Văn Trang - Đoàn Luật sư TP HCM nhìn nhận: việc hiểu sai trong áp dụng quyết định 33 của UBND Q.9 dẫn đến văn bản quy định không hợp lý và hạn chế quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân. Thậm chí quy định như vậy cũng đã vi phạm quyền tự do kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng đất của người dân đã được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ.
Lúng túng khi áp dụng công văn 142
Trong khi quyết định 33 còn nhiều vấn đề bất cập chưa được giải thích cụ thể thì Sở TN-MT TP ban hành công văn 142 để hướng dẫn tách thửa theo quyết định 33 của UBND TP Hồ Chí Minh. Tinh thần của công văn 142 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện quyết định 33.
Đó là các bất cập, như: tình trạng các doanh nghiệp (DN) bất động sản lợi dụng chủ trương của quyết định này để chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất để kinh doanh. Bên cạnh đó là tình trạng cán bộ, công chức chưa hiểu đúng, hoặc có tình hiểu sai nội dung của quyết định 33, gây ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch đã được phê duyệt;…
Công văn 142 được ban hành, yêu cầu UBND các quận/huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát việc tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Trong đó, người xử lý hồ sơ xin tách thửa đất của người dân thuộc các quận/huyện có trách nhiệm phân biệt được trường hợp nào là tách thửa đất do khó khăn về nhà ở, trường hợp nào là chuyển nhượng kinh doanh.
“Chủ tịch UBND quận/huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng nhà cửa không phép,…”, Giám đốc Sở TN-MT TP Nguyễn Toàn Thắng yêu cầu trong công văn 142.
Tuy nhiên qua hơn 8 tháng triển khai theo công văn 142, các quận/huyện đều cho rằng rất khó có căn cứ để xác minh đâu là nhu cầu tách thửa để ở và đâu là nhu cầu tách thửa để kinh doanh.
Ông Thân Thế Hùng – Trưởng phòng TN-MT quận 12 cho biết, quận này vẫn thực hiện quy trình tách thửa cho người dân như lâu nay. Tức là việc tách thửa chuyển mục đích sử dụng đất được xem xét trên các điều kiện: Phù hợp quy hoạch, đảm bảo cơ sở hạ tầng và đủ diện tích tối thiểu (theo quyết định 33). Trong khi đó, quận không yêu cầu người dân phải chứng minh tách thửa đất để ở hay để bán.
Theo ông Hùng thì để quản lý chặt chẽ công tác quản lý tách thửa trên địa bàn thì vấn đề quan trọng nhất là phải rà soát được các khu đất lớn còn trống (dựa trên quy hoạch của quận) nhằm hạn chế việc tách thửa manh mún. Đây mới chính là thẩm quyền, trách nhiệm của quận/huyện được quy định chặt chẽ tại quyết định 33.
Luật sư Phùng Văn Trang đánh giá, hiện nay nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn do đó không nên hạn chế quyền tách thửa của người dân. Thậm chí, từ quy định còn chưa rõ ràng, vẫn chưa xử lý hết được tình trạng DN vẫn tiếp tục có đường “lách luật” để phân lô bán nền chui, xây dựng trái phép,...Các vấn đề phát sinh nêu trên có thể khiến UBND TP HCM càng đau đầu hơn trong công tác quản lý quy hoạch đất đai trên địa bàn.