Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 10/2 tới.
Điều đáng lưu ý là so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự án luật sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại khi luật nâng mức xử phạt lên quá cao đối với một số lĩnh vực, trong khi đây đều là những vấn đề không phát sinh, gây vướng mắc trên thực tế.
Theo đó, lần này dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật của 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật hiện hành. So với Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự án luật sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên đến 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; Bảo vệ người tiêu dùng từ 100 lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng và kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng
Lý giải cho việc nâng mức xử phạt hành chính đối với các lĩnh vực trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, sau 6 năm triển khai thi hành, luật đã phát sinh một số bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe.
Tuy nhiên thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, hồ sơ dự án luật còn khá sơ sài, các tài liệu chưa phân tích, làm rõ được lý do, căn cứ và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hầu hết các nội dung của dự thảo luật. Nhiều nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật không phải là vấn đề bất cập được xác định trong báo cáo tổng kết, không được đánh giá tác động cụ thể. Theo đánh giá của ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì các tài liệu trong hồ sơ dự án luật chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm hành chính. Nhất là báo cáo tổng kết thi hành cho thấy quá trình thực hiện không có khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này. Trong khi đó, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực hiện đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu của khung hình phạt tiền được Bộ luật Hình sự quy định.
Qua thẩm tra dự án luật trên, bà Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, cần giải trình làm rõ về việc nhiều nội dung sửa đổi mới chỉ chú trọng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước mà chưa chú trọng đến quyền cơ bản của công dân được Hiến định như: tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, tăng mức tiền phạt, mở rộng việc tạm giữ đối với người vi phạm hành chính, tăng thời hạn và giao Chính phủ áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền công dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đặt vấn đề: Các bộ ngành đều muốn nâng mức xử phạt vi phạm hành chính vì mức xử phạt hiện hành chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, quy định vấn đề này trong dự án luật này cần làm rõ đã có bao nhiêu hành vi vi phạm hành chính bị phạt tiền ở mức “kịch trần” được luật hiện hành quy định? Với mức phạt “kịch trần” như vậy, số lượng vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đó tăng hay giảm qua các năm gần đây? Có những vụ việc điển hình nào đã được xử phạt ở mức “kịch trần” nhưng vẫn chưa “thấm vào đâu” so với mức độ nguy hiểm của hành vi đó?.
Ông Hiển phân tích, thực tế, dù mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa với cá nhân hiện đã lên đến 1 tỷ đồng, với tập thể là 2 tỷ đồng, nhưng khi xử lý ở nhiều mảng, lĩnh vực vẫn thấy mức độ răn đe của hình thức xử phạt còn thấp. Do vậy, đi theo hướng mức phạt với vi phạm hành chính ngày càng nghiêm khắc hơn có thể đáp ứng đòi hỏi trước mắt trong nhiều ngành, lĩnh vực. Song về mặt lý luận cũng đặt ra câu hỏi nếu cứ tăng mạnh mức phạt tiền với vi phạm hành chính thì liệu hệ thống hành pháp sinh ra chỉ để xử lý những vi phạm này hay không? Các nước đều xử phạt vi cảnh nghiêm khắc, song các quyết định xử phạt đều do tòa án đưa ra.