Đào tạo nhân lực ngành y tế lâu nay luôn là mối quan tâm của xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng ngành y, năm 2019 lần đầu tiên Bộ GDĐT quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho nhóm ngành sức khỏe cấp chứng chỉ hành nghề. Mùa tuyển sinh 2020, Bộ GDĐT chủ trương tiếp tục quy định ngưỡng điểm đầu vào với khối ngành sức khỏe.
Sinh viên ngành Y.
Điểm sàn và trách nhiệm xã hội
Ở mùa tuyển sinh 2019, điểm sàn ngành y của các trường ĐH ở mức khá cao. Cụ thể, theo công bố của Bộ GDĐT: Nhóm 1: Y khoa, răng - hàm - mặt: 21 điểm; Nhóm 2: Y học cổ truyền, dược: 20 điểm; Nhóm 3: Điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng:18 điểm. Từ mức điểm sàn này, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường ĐH đào tạo khối ngành y năm 2019 dao động từ 18-21 điểm.
Có thể thấy việc quy định điểm sàn khối sức khỏe của mùa tuyển sinh 2019 không quy định chung một mức mà chia làm ba mức: cao nhất là nhóm y khoa, răng - hàm - mặt với 21 điểm; y học cổ truyền, dược 20 điểm; nhóm còn lại gồm các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đồng mức18 điểm. Như vậy, ở khối sức khỏe, Bộ GDĐT chỉ quy định mức điểm sàn chung cho khối đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề. Còn các ngành khác như hóa dược, quản lý bệnh viện, y sinh học... không quy định.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng -Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) phân tích do các ngành đào tạo bác sĩ như y khoa, răng hàm mặt luôn được xác định là ngành đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của mọi người nên cần tuyển chọn những người giỏi, có nguyện vọng học làm bác sĩ. Đồng thời các ngành này cũng được nhiều thí sinh lựa chọn nên có điều kiện quy định điểm sàn cao nhất để nâng cao chất lượng nghề nghiệp bác sĩ, phục vụ tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Còn GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết việc Bộ GDĐT đưa ra được ngưỡng đảm bảo chất lượng như năm 2019 là rất tốt. Nếu so với chỉ tiêu, điểm sàn mà Bộ đặt ra là không cao, nhưng so với “sàn” các ngành khác (chỉ 14 điểm) thì sàn của ngành y dược đã có thể khiến những người quan tâm tới đào tạo y dược yên tâm về chất lượng đầu vào khối ngành này. Theo ông Tú: Các cơ sở đào tạo không chỉ quan tâm tới lợi ích của mình mà cần nghĩ đến trách nhiệm xã hội. Cụ thể là việc cung cấp các sản phẩm đào tạo đảm bảo chất lượng tối thiểu trong một lĩnh vực liên quan tới sức khỏe người dân, cộng đồng. Đầu vào không quyết định tất cả nhưng là khâu rất quan trọng để đảm bảo đầu ra.
Chú trọng hậu kiểm
Ở mùa tuyển sinh 2020, theo tinh thần Dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành đào tạo giáo viên mầm non, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, mặc dù có nhiều điểm mới nhưng về cơ bản dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định như năm 2019, không tác động nhiều đến các cơ sở giáo dục ĐH.
Ghi nhận từ mùa tuyển sinh 2019 cũng cho thấy, lần đầu áp sàn riêng ngành y dược đã góp phần chấm dứt tình trạng 4 điểm/ môn cũng đỗ trường y. Trước đó, việc hàng loạt các trường ĐH mở ngành y dược và lấy điểm chuẩn thấp đã khiến xã hội không khỏi lo ngại vì đây là ngành học có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân. Nhưng đồng thời việc siết điểm sàn đã lập tức khiến nhiều trường tuyển sinh khối ngành y dược lao đao. Dù đã lấy điểm chuẩn ở mức thấp nhất là bằng điểm sàn của Bộ GDĐT đưa ra, hàng loạt trường phải công bố xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu cao ngất ngưởng so với các ngành học khác. Với các trường ngoài công lập, tình trạng trống chỉ tiêu còn lớn hơn nhiều. Hầu hết các trường đều phải xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành đào tạo khối sức khỏe.
Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, việc đặt điểm sàn có thể sẽ gây khó khăn trong công tác tuyển sinh của một số trường nhóm dưới. Tuy nhiên, đây là việc cần thiết để nâng cao chất lượng đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của nhóm ngành sức khỏe. Đây cũng là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ngành y tế, nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân.
Dẫu thế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi-Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khối ngành sức khỏe vừa có sàn vừa phải hậu kiểm quá trình đào tạo. Đầu ra cũng phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng, chứ không chỉ có bằng cấp là nghiễm nhiên có thể đi làm việc.
Nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế khối GDNN
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo ( Bộ Y tế) vừa có buổi làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐTB&XH) về công tác đào tạo nhân lực ngành y tế của GDNN.
Cụ thể, có 4 nhóm vấn đề chính được hai bên quan tâm, trao đổi, nghiên cứu để phối hợp triển khai trong thời gian tới, đó là: Việc nâng cấp trường, đăng ký hoạt động GDNN, công tác thanh kiểm tra việc thực thi pháp luật về GDNN đối với các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe; Xây dựng các tiêu chuẩn trong đào tạo khối ngành sức khỏe thuộc trình độ GDNN; Hoàn thiện thống nhất một số quy định về chuyên môn để mở ngành đào tạo khối ngành sức khỏe; tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo hai Bộ: Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH để bàn về công tác phối hợp giữa hai Bộ trong công tác quản lý hoạt động GDNN đối với các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe thuộc các trình độ của GDNN.