Với Nghị định 116, không thể phủ nhận sức hút của ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh 2021 vừa qua khi hàng loạt các trường sư phạm tuyển đủ, thậm chí tuyển vượt chỉ tiêu đề ra với nhiều ngành học.
Vẫn vướng đầu ra
Thống kê mùa tuyển sinh năm 2021, số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc “top” cao với gần 229.000 thí sinh, gấp 4,5 lần so với chỉ tiêu đặt ra.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có số lượng chỉ tiêu đăng ký vượt 7.000 sinh viên của 40 ngành và chương trình đào tạo. Trường ĐH Sư phạm TP HCM có 20 ngành đào tạo giáo viên đều tuyển sinh đủ chỉ tiêu, bên cạnh đó có cả những ngành mới đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116 đối với công tác tuyển sinh trong năm 2021 đã được ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề lớn đặt ra khi chất lượng “đầu vào” đã tăng lên nhưng “đầu ra” vẫn bỏ ngỏ khi ghi nhận tại hội thảo mới đây do Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức, đại diện các trường cho biết năm 2021 chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo nào từ các tỉnh.
Ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết, ban đầu, nhà trường có hai địa phương đặt hàng nhưng về sau một địa phương xin rút. Địa phương còn lại chỉ đặt hàng 3 chỉ tiêu cho ngành sư phạm công nghệ nhưng ngành học này nhà trường không mở được.
Trường ĐH Quy Nhơn ban đầu nhận được đơn đặt hàng của một địa phương với 6 chỉ tiêu nhưng sau đó địa phương cũng không phản hồi. Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên được 2 địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đặt hàng với 124 chỉ tiêu song chỉ có 43 sinh viên đăng ký về địa phương làm việc. Lý do là vì các em lo ngại sau này bị phân công dạy học ở vùng sâu, vùng xa.
Cần hướng dẫn chi tiết
Thống kê về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường của nhiều trường đào tạo khối ngành sư phạm đều công bố con số trên 80% đến gần 100%. Như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp (bình quân trong 3 năm gần đây) là 95,9%.
Tuy nhiên, những câu chuyện xót xa về giáo viên hợp đồng kéo dài hàng chục năm bởi địa phương không tổ chức thi, xét tuyển dụng giáo viên mới thì sao? Công ăn việc làm bấp bênh trong khi mức lương giáo viên hợp đồng không thể đủ sống, thậm chí giáo viên đã vào biên chế cũng khó sống nổi bằng lương thì làm sao để giữ chân người tài vào sư phạm?
Một chuyên gia giáo dục chỉ ra bất cập đó là có thể khuyến khích mở rộng khu vực giáo dục tư nhân song chỉ ở khu công nghiệp hay các thành phố lớn mới có thể phát triển còn ở các vùng sâu, vùng xa hay nông thôn thì không thể. Như vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm muốn cống hiến cho quê hương cũng khó khăn.
Còn bám trụ ở thành phố làm các công việc trong ngành Giáo dục nhưng không phải là đứng lớp theo đúng chuyên ngành được học thì nhiều cử nhân cũng không mặn mà. Như vậy, chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm theo Nghị quyết 116 và mong muốn của toàn xã hội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương ở các cấp và các môn học; trên cơ sở đó giao chỉ tiêu sư phạm cho các trường. Năm học 2020 - 2021, Bộ đã hướng dẫn các địa phương trong rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Tuy nhiên, lời giải cho bài toán đầu ra của sinh viên sư phạm không phụ thuộc vào ngành Giáo dục mà là câu chuyện thực tế của riêng từng địa phương nên vẫn cần những chính sách căn cơ hơn để người học yên tâm lựa chọn đầu quân vào ngành sư phạm.