Theo quan điểm của các chuyên gia giáo dục, giáo viên có quyền sáng tạo, không lệ thuộc vào sách giáo khoa (SGK) trong quá trình giảng dạy. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép điều này. Vậy muốn thoát ly SGK, giáo viên phải làm gì?
Không nên lựa chọn một bộ sách giáo khoa
Hiện nay UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục SGK của từng khối lớp sử dụng cho từng năm học, trong đó mỗi môn có từ 1 đến 2, 3, 4 đầu sách do các tác giả khác nhau biên soạn. Các nhà trường từ danh mục này sẽ lựa chọn bộ sách dùng tại trường mình. Như vậy, nếu danh mục càng đa dạng thì các nhà trường càng có nhiều thuận lợi trong việc chọn sách để dạy. Ngược lại, nếu môn học nào chỉ “phích cứng” một đầu sách duy nhất dùng chung cho toàn thành phố thì rất khó cho việc giảng dạy.
Nhìn từ danh mục SGK lớp 2 do UBND TP Hà Nội phê duyệt cho năm học 2021-2022 có thể thấy, trong 19 tên sách được phê duyệt, nhiều môn học có 2 đầu sách để các trường lựa chọn. Các môn học chỉ có 1 đầu sách là Tiếng Việt, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm. Riêng SGK Tiếng Anh có tới 6 đầu sách khác nhau được phê duyệt. Tương tự, nhiều địa phương cũng phê duyệt danh mục SGK với một số môn học chỉ có 1 đầu sách.
Trên thực tế, chủ trương xã hội hóa SGK đã rất rõ với một môn học có thể có nhiều SGK để lựa chọn. Song nếu thành phố, địa phương đưa ra danh mục mỗi môn học chỉ có 1 đầu sách thì rõ ràng quyền lựa chọn của các cơ sở là không có!
Nhìn nhận vấn đề này, bà Hà Ngọc Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng: Hội đồng thẩm định đưa ra danh mục SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt là những tư liệu dạy học chất lượng, uy tín và đáp ứng được mục tiêu của chương trình GDPT. Vì vậy không có bộ SGK nào giảm chất lượng do việc lựa chọn. Và quan niệm về SGK cũng cần đôi chút thay đổi. SGK nên hiểu là tài liệu tham khảo để thầy cô dạy theo chương trình. SGK không phải chương trình, càng không phải pháp lệnh. Cần phải hiểu đó là những tài liệu tham khảo để dạy theo chương trình. Việc thống nhất lựa chọn một bộ sách chung để giảng dạy ở các quận huyện thì không làm mất đi quyền lựa chọn của các thầy cô giáo về chọn những bài hay, những phương án dạy tốt hay là thông tin hay từ những bộ sách khác nhau. Nó cũng không tước đi quyền chủ động của thầy cô mà thầy cô hoàn toàn có thể tận dụng song song nhiều bộ SGK để giảng dạy.
Theo bà Thủy, các trường và thầy cô nếu có thể thì không nên lựa chọn một bộ SGK duy nhất mà có thể tham khảo, tận dụng song song nhiều bộ. Bởi chất lượng đến từ giáo dục chứ không phải là lựa chọn bộ sách nào.
Dạy theo hướng mở
Trước đó, năm học 2017-2018, Bộ GDĐT từng có văn bản gây “sốc” dư luận khi quy định “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”. Thời điểm này chưa có chương trình GDPT mới nhưng việc Bộ GDĐT “cấm” dạy những nội dung ngoài SGK cũng đã gây ra những phản ứng dữ dội, hầu hết các ý kiến đều cho rằng tư duy quá coi trọng SGK, coi đó là cẩm nang trong dạy học đã rất lỗi thời. Sau đó, Bộ GDĐT đã giải thích, hướng dẫn việc thực hiện công văn này.
Có thể hiểu SGK là văn bản quan trọng nhưng kiến thức không chỉ nằm trong một bộ SGK mà có thể từ nhiều nguồn khác nhau, thầy cô và học sinh đều có thể tìm thấy ở trên mạng, các kênh truyền thông hay trong đời sống… PGS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, khẳng định: Một giáo viên thực sự có trách nhiệm sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào SGK để giảng dạy. Họ sẽ là người tìm tòi các nguồn tài liệu, học liệu khác nhau để phù hợp với từng đối tượng học sinh, phong phú cho bài giảng của mình. Nhờ vậy mới có thể bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu…
Kinh nghiệm từ Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), để dạy học không phụ thuộc vào SGK đó là nhà trường đã chủ động nghiên cứu chương trình. Trong đó, nhà trường cụ thể hóa những nội dung và phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của người học. Đó là tổ chức dạy theo hướng mở và tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào quá trình xây dựng bài học theo cách học sinh đóng vai là thầy cô, phát huy hứng thú, hợp tác nhóm và năng lực sử dụng công nghệ thông tin nhạy bén.
Bên cạnh đó, việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp, nội dung giảng dạy cũng là vấn đề cần được các trường coi trọng. Trong đó, việc tập huấn cho giáo viên căn cứ vào chương trình thay vì tập huấn dựa vào SGK như trước đây khi chưa có chương trình tổng thể.
TS Nguyễn Minh Giang - Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, với chương trình GDPT 2018, giáo viên sẽ được tìm hiểu cặn kẽ chương trình môn học, các tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt... Cách bồi dưỡng này có điểm tích cực là giúp giáo viên thoát được lối mòn cũ mà SGK trước đây đã mặc định.